Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ quan điểm sống hạnh phúc
- 15/03/2018 15:57
 
Người đứng đầu Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa trả lời cặn kẽ về những câu hỏi liên quan đến hạnh phúc trong buổi phỏng vấn trực tuyến sáng nay (15/3).
- Kính chào Đức Gyalwang Drukpa, rất vui khi thấy Ngài quay trở lại. Đến Việt Nam đúng dịp đầu xuân, Ngài cảm nhận thế nào? (Võ Hạnh, 46 tuổi, Hà Nội)

- Tôi vô cùng hạnh phúc và phấn khởi khi trở lại Việt Nam để tham gia đại lễ Tây Thiên lần này. Tôi rất mong chờ và hy vọng rằng chuyến đi này của tôi và toàn đoàn sẽ thành công. Tôi đặc biệt có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, tôi cũng hy vọng mọi người mong chờ sự trở lại của tôi để ban gia trì cho đất nước và con người Việt Nam.

- Sắp đến ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, con muốn hỏi Ngài định nghĩa thế nào là hạnh phúc? (Đình Duy, 25 tuổi, Buôn Ma Thuột)

- Khi chúng ta có được đôi mắt sáng, đôi tay làm việc, đôi chân để đi, đó là điều kỳ diệu của cuộc sống này. Một thực tế đơn giản như vậy thôi nhưng đáng để chúng ta tri ân.

Thường chúng ta nghĩ cuộc sống rất nhàm chán, nhưng suy ngẫm còn đôi chân lành lặn đi bất cứ nơi nào, ta nên biết ơn về điều đó. Khi còn đôi mắt sáng, tay để làm việc, cầm cốc nước này, có miệng để ăn, đó là điều kiện đủ để chúng ta có thể trải nghiệm được hạnh phúc ngay. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng con người thường tạo ra đau khổ không đáng có.

Bạn có thể hỏi rằng những đau khổ không đáng có là gì? Trong Đạo Phật có khái niệm về nghiệp, đã tích tụ trong quá khứ như bạn bị đau đầu, bệnh tim hay gan phổi có vấn đề... có nhiều căn bệnh không thể tránh, tôi không nói đến việc đó.

Khi chúng ta có đầy đủ mọi thứ cuộc sống bình thường nhưng không thỏa mãn, chúng ta vẫn phiền não vì không biết tri ân cuộc sống. Đó là định nghĩa của tôi về hạnh phúc. Hạnh phúc giống như công tắc, biết bật lên thì cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Bạn có thể tạo ra những thú vui ngoài cuộc sống nó ngắn ngủi và tạm bợ, nó không phải thứ hạnh phúc lâu bền. Không phải đi đâu cả, ngay đây chúng ta đã đủ hạnh phúc và an lạc rồi.

Ảnh: Giang Huy.

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Ảnh: Giang Huy.

Làm thế nào để sống hạnh phúc trong khi mọi người xung quanh mình phải sống trong sự đau khổ và phiền não? (Nguyễn Sơn Bình, 18 tuổi, TP HCM)

- Chúng ta vẫn có thể hạnh phúc khi người khác đau khổ, phiền não. Bởi vì khi bạn đang rất đau khổ, nếu tôi cũng rất đau khổ thì giống như khi hai người cùng ngồi trên chiếc thuyền, cả hai cùng đau khổ thì thuyền sẽ chìm. Tôi phải là người hạnh phúc, từ đó truyền hạnh phúc cho bạn để bạn thoát khỏi sự đau khổ và phiền não. Cũng như đi máy bay, khi có sự cố chúng ta phải đeo dưỡng khí cho mình trước khi giúp người khác.

Chúng ta cần nhìn lại tại sao người kia lại phiền não? Có thể anh ta bị liệt, bị khuyết tật, anh ta không có bạn bè. Nhìn lại mình, chúng ta có đôi chân lành lặn, có mắt sáng, có đôi tay, có gia đình, không cô đơn như anh ta. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy mình may mắn. Bởi vậy chúng ta cũng như tôi có nghĩa vụ giúp anh ta hạnh phúc. Đây là phản ứng hết sức tự nhiên. Bạn có thể nói đó là trọng trách bề trên giao cho nhưng thực ra đó là điều tự nhiên. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng ta phải khởi phát tâm bồ đề để giúp đỡ mọi người.

- Có quan niệm rằng để yêu thương được mọi người trước hết phải biết yêu thương bản thân mình. Phải hiểu thế nào về sự yêu thương bản thân mình, thưa Ngài? (Phạm Hương, 39 tuổi, Hà Nội)

- Tôi nghĩ cũng như những điều tôi đã nói. Chúng ta cần phải biết tri ân. Yêu thương cũng giống như lòng tri ân. Tất nhiên, trước tiên chúng ta phải yêu thương, tri ân cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không yêu bản thân mình thì làm sao yêu thương được người khác. Vì vậy tôi mới nói rằng yêu thương, tri ân bản thân mình sẽ làm lan tỏa tình yêu thương với gia đình, người thân, những người xung quanh, đất nước, các dân tộc khác rồi đến yêu thương cả thế giới. Hãy tri ân cuộc sống của chính mình vì đó là cách duy nhất để lan tỏa yêu thương.

- Các bậc thầy thường dạy phải biết tìm nhận chân hạnh phúc? Xin Ngài chia sẻ chân hạnh phúc khác gì hạnh phúc thông thường? (Phật tử ở Hà Tĩnh, 59 tuổi, Hà Tĩnh)

- Những hạnh phúc thông thường đến từ việc thỏa mãn các giác quan bên ngoài. Ví dụ như uống rượu hay vui chơi gì đó, thậm chí là lòng tham khiến người ta ăn trộm nhưng họ lại thấy vui thích vào thời điểm đó. Đó là thỏa mãn cảm xúc thông thường. Có nhiều người được ngủ thôi cũng rất thích, cảm thấy hạnh phúc rồi.

Còn chân hạnh phúc phải đến đầu tiên từ niềm tri ân.

Đức Gyalwang Drukpa trong cuộc trò chuyện với độc giả. Ảnh: Giang Huy.

Đức Gyalwang Drukpa trong cuộc trò chuyện với độc giả. Ảnh: Giang Huy.

- Đức pháp Vương nghĩ sao về câu nói: "hạnh phúc là buông bỏ hay phải nỗ lực hết sức để được cái mình mong muốn", vì theo nhà Phật nếu ta buông bỏ và biết bằng lòng với bản thân thì sẽ không đau khổ, nhưng như vậy lại không có nhiều thứ? (Võ Tiến Dũng, 38 tuổi, Đà Nẵng)

- Phật giáo có nhiều cấp độ giáo pháp khác nhau với nhiều cách hiểu khác nhau, nên khi người ta đưa một câu giáo pháp chung chung của Phật Thích ca thì rất khó vì giáo pháp đó được áp dụng cho nhiều đối tượng. Chúng ta hay nói buông bỏ mọi thứ để được hạnh phúc. Đó cũng là một cách.

- Liệu có hạnh phúc thật sự khi sống một mình mà không lập gia đình? (Phạm Thái, 31 tuổi, TP Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa)

- Cái này cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau tùy vào chúng ta đang ở cấp độ tu tập nào. Giả sử bạn không phải Phật tử thì chuyện có gia đình hay không không quan trọng, điều quan trọng là bạn biết cách tự tạo hạnh phúc cho mình.

Nếu bạn mong muốn lập gia đình thì hãy làm điều đó, nhưng tôi nhắc lại quan trọng là bạn phải biết tự tạo hạnh phúc cho mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Lập gia đình là sự cộng thêm chứ không có nghĩa là có gia đình mới hạnh phúc.

Còn nếu bạn là Phật tử thì câu chuyện lại khác.

- Thông điệp mà Ngài muốn gửi đến độc giả là gì? (Nguyễn Minh Trí, 47 tuổi, Hưng Yên)

- Tôi muốn gửi đến các bạn lời chia sẻ, sự trải nghiệm của riêng tôi. Tôi thường cảm thấy thoải mái, thư giãn khi thực hành tịnh tâm. Khi chúng ta thực hành một pháp môn nào đó, một việc nào đó bất kể đó là tín ngưỡng Tôn giáo hay phong trào nào thì quan trọng là chúng ta nhất tâm và hoan hỉ đi theo con đường mình đã chọn.

Có thể chúng ta làm rất tốt hoặc chưa tốt lắm cũng không sao. Chúng ta có thể nhất tâm thực hành, truyền lại năng lượng, cảm hứng cho người xung quanh mới là quan trọng nhất. Thường thì chúng ta để lãng phí thời gian nhiều trong khi cuộc sống lại rất ngắn ngủi. Vì vậy, phải chọn được con đường của mình để đi theo, dù đó là con đường của Tôn giáo nào. Quan trọng là bạn quan tâm đến gia đình, bạn bè, mọi người xung quanh, làm lợi cho mọi người, mọi nhà.

Jimmy Phạm, Sáng lập Trường đào tạo nghề KOTO: Hạnh phúc với công việc đầy cảm xúc
46 tuổi, gắn bó 18 năm với trẻ em đường phố Việt Nam với mô hình doanh nghiệp xã hội KOTO, Jimmy Phạm chưa bao giờ hết cảm xúc với sự nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư