Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đừng “sống tạm” với Covid-19
Ngô Sơn - 12/07/2021 09:35
 
Khi vắc-xin chưa đuổi kịp sự biến chủng của virus, Sài Gòn phải áp dụng Chỉ thị 16 để thực hiện “tổng tấn công” dịch Covid-19. Nhưng cần có những giải pháp căn cơ hơn là "sống tạm" với Covid-19.
Đây là lần thứ hai, TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16. 

TP.HCM những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, tĩnh lặng đến… ngạc nhiên.

Nếu như trước đó, Sài thành (xin dùng từ dân dã) cuồn cuộn sức sống đến mức đi trên đường phố, bạn sẽ khó quay đầu bởi người, xe nườm nượp, thì giờ, tiếng một chiếc xe máy tít nơi xa cũng làm vang vọng cả một khu phố.

Nếu như trước đó, bạn thèm nghe được tiếng gà gáy trưa giữa Sài thành, thì giờ bạn nghe được cả tiếng chim sâu nhỏ rúc rích trong lùm cây.

“Hòn ngọc Viễn Đông”, “Sài Gòn không ngủ” là những câu quen miệng của triệu người, để nói về sự sống của TP.HCM, một địa phương có hoạt động kinh tế lớn nhất đất nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước), một địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất (khoảng 27%), có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao cũng… nhất cả nước. Bởi vậy, sự tĩnh lặng đến nao lòng của Sài thành ngày cũng như đêm hiện tại khiến lòng người cũng lặng lại trong mơ hồ sự sống.

Hai khoảnh khắc trái ngược trên cho thấy, Covid-19 có sức tàn phá thế nào tới đời sống kinh tế - xã hội, tới cuộc sống con người. Nhưng Sài thành buộc phải vậy, chọn tính mạng, sức khỏe con người là trên hết.

Nhưng (lại phải nhưng), qua ba lần bùng phát, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng chục ngàn lao động ở TP.HCM mất việc, tác động tới hầu hết gia đình - tế bào của xã hội.

Và khi vắc-xin chưa đuổi kịp sự biến chủng của virus, thì giải pháp mạnh hơn cả lần giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 16 để thực hiện “tổng tấn công” của Sài thành lần này liệu có là “sống tạm”.

Đây là lần thứ hai, TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16. Đó là chưa nói trước lần 2 này, Thành phố ra Chỉ thị 10 - một dạng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, nhưng cao hơn và nghiêm ngặt hơn.

Nhưng dấu hiệu “sống tạm” khá rõ trong nhiều góc độ, trên cả góc độ kế hoạch, chiến lược, chỉ đạo.

Đó là cảnh tổ chức xét nghiệm ở chợ đầu mối Bình Điền khiến hàng ngàn tiểu thương ồ ạt chen chúc tới lấy phiếu, phá vỡ toàn bộ quy tắc 5K.

Đó là ngôn từ chỉ đạo chưa thật cụ thể, thay vì chỉ cụm từ “tạm dừng quán ăn uống” cho dân dễ hiểu là cụm từ "tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về”, để rồi gần nửa đêm, cận giờ giãn cách, lãnh đạo TP.HCM phải giải thích thêm với báo chí; để rồi sang ngày mới, lại phải có tiếp văn bản khẩn hướng dẫn bổ sung giải pháp… Khổ nỗi, trước đó ít phút, nhiều hãng dịch vụ giao hàng như Grab, do nhận lệnh từ văn bản trước, nên đã thay đổi phương án kinh doanh, dừng hoạt động Grab giao thực phẩm, đồ ăn…

Đó là cảnh dù ngành chức năng dự trữ tới 120.000 tấn hàng, tăng gấp ba lần thông thường, nhưng các kệ hàng trong siêu thị trống trơn từ trước ngày áp dụng lệnh giãn cách, mà căn nguyên lớn nhất là sự đứt gãy trong thời gian ngắn chuỗi vận chuyển cung cấp từ nơi sản xuất tới địa điểm tiêu thụ.

Đứt gãy bởi mẩu giấy xét nghiệm yêu cầu kết quả âm tích với Covid-19 của tài xế khi vào Thành phố và sự thiếu đồng bộ của nhiều địa phương lân cận khi mỗi nơi làm mỗi phách.

Ví như trước đây, tài xế phải trình giấy xét nghiệm âm tính bằng hình thức test nhanh, thì nay nhiều tỉnh (như Tiền Giang) yêu cầu tài xế chở hàng phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính. Thế là doanh nghiệp lại đôn đáo chạy đi test, nhưng phải chờ 24, thậm chí 48 tiếng mới có kết quả, bởi nhiều bệnh viện quá tải, trong khi có tỉnh quy định mảnh giấy đó chỉ giá trị 3-4 ngày, nhiều lắm là 5 ngày.

Thực tế đã có những chuyển mình trong các nỗ lực nhằm thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là hàng loạt doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức cho người lao động ở lại nhà máy để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch, đảm bảo duy trì sản xuất; các dây chuyền sản xuất được tổ chức lại để sẵn sàng phương án khoanh vùng một vài dây chuyền trong khi nhà máy vẫn hoạt động. Song dù sản xuất nhiều, mà chuỗi vận chuyển cung ứng hàng hóa đứt gãy, thì tất yếu sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực chung.

Có lẽ, đó không chỉ là câu chuyện của riêng TP.HCM và một số địa phương lân cận, bởi TP.HCM chỉ có thẩm quyền quản lý địa bàn của mình. Chính vì vậy, để cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép, để TP.HCM thoát khỏi sự tĩnh mịch đáng sợ, thì phải có thêm những giải pháp sáng tạo, không chấp nhận “sống tạm” với Covid-19.

Chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo trong mọi tình huống
Bộ Công Thương chỉ đạo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh, nhất là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư