Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Từ diễn biến dịch tại TP.HCM, Hà Nội không được phép chủ quan
D.Ngân - 09/07/2021 16:32
 
Bộ Y tế đã phải huy động một lượng nhân lực khổng lồ, lên tới 10.000 người cùng các lãnh đạo cơ quan trực thuộc Bộ này để trợ giúp TP.HCM chống dịch.

Tâm dịch TP.HCM đang phải chuẩn bị kịch bản lên tới 15.000 ca mắc và nhiều ca bệnh nặng. 

Lực lượng chức năng Hà Nội đang phun khử khuẩn tòa nhà có F0 tại quận Thanh Xuân. 

Trong số 10.000 cán bộ y tế, những người có kinh nghiệm dày dặn, đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất.

Hiện TP.HCM đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người. Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn.

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24h, cần phải rút xuống 12 giờ.

Liên quan tới công tác cách ly tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ phân ra các khu vực, gồm khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), nguy cơ cao, và nguy cơ thấp hơn. Tùy từng khu vực và điều kiện các gia đình đáp ứng sẽ cách ly F1 tại nhà hay tại khu cách ly tập trung

Bên cạnh đó là thay đổi liên quan tới công tác xét nghiệm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, 

Khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình để phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng;

Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Đối với khu vực nguy cơ cao, tiến hành ấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống.

Đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh TP.HCM cần thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp đến bệnh viện khám.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý TP.HCM phải tổ chức lấy mẫu tại hộ gia đình đối với vùng nguy cơ cao và rất cao, không tổ chức các điểm lấy mẫu tập trung. Nếu làm test nhanh phải trả mẫu ngay. Nếu làm PCR trong hộ gia đình thì làm gộp, tuyệt đối không làm cùng hộ gia đình khác.

Cho rằng, việc thay đổi về chiến lược xét nghiệm như vậy đối với TP.HCM đặt ra vấn đề là 2.500 đội lấy mẫu có thể chưa đáp ứng đủ, vì vậy, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trao đổi với TP.HCM để điều phối thêm nhân lực huy động lực lượng của Bộ Y tế cùng Thành phố thực hiện công tác này.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ phân bổ tăng nguồn vắc-xin cho TP.HCM. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm.

Bộ trưởng lưu ý khi thực hiện tiêm chủng ở các vùng có nguy cơ rất cao và cao, cần tổ chức các điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi phù hợp. Bộ Y tế sẽ điều 30 xe tiêm lưu động bao gồm bàn tiêm, thùng đựng vắc xin có sẵn để hỗ trợ TP.HCM thực hiện công tác tiêm chủng.

“Thành phối cần tổ chức tiêm chủng tại nhiều điểm tiêm, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động. Cần tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đối với các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục, duy trì sản xuất, đặc biệt với các cơ sở sản xuất dược phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch phải đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch và thực hiện đánh giá an toàn Covid-19 hàng ngày.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì ngưng hoạt động ngay. TP cần chỉ đạo lấy mẫu tầm soát ít nhất 20% số người trong công ty, nhà máy. Nếu có điều kiện tiến hành lấy mẫu toàn bộ nhà máy.

Từ thực tế đang diễn ra tại TP.HCM khi số ca mắc ở mức 3 con số, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không thận trọng, nếu có tâm lý chủ quan, Hà Nội sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận gần 1.000 ca mắc Covid-19. Con số này gần bằng số ca mắc của cả 3 làn sóng trước đó cộng lại.

Trước đó, tại Bắc Giang khi số ca mắc lên tới gần 400 ca/ngày, cả nước đã sục sôi, lo lắng.

Hà Nội những ngày gần đây dịch bắt đầu phức tạp khi các ổ dịch mới lần lượt xuất hiện. Trong 4 ngày trở lại đây, Hà Nội liên tục có số ca mắc mới. 

Dịch tại Thủ đô đang có dấu hiệu phức tạp, song qua thực tế dường như người dân đã quen với Covid-19 nên không còn thấy dịch đáng sợ như những ngày đầu. 

Nhiều người vẫn đi bộ trên đường phố không có khẩu trang, các quán ăn, nhà hàng vẫn trong tình trạng đông đúc và không đảm bảo giãn cách.

Tuy vậy, nếu những người đang có tâm lý chủ quan kia được lắng nghe tâm sự và chia sẻ của những người đã từng mắc Covid-19 với giây phút tưởng chừng như không thể thở và cơ thể đau nhức không thể có nổi một giấc ngủ trọn vẹn âu có lẽ sẽ cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Bên cạnh đó, dù chiếm phần lớn là các ca bệnh nhẹ song ở làn sóng dịch lần này, do biến thể mới của SARS-Cov-2 nên số bệnh nhân nặng, diễn biến nhanh cũng tăng cao. 

Đến thời điểm hiện tại ở làn sóng thứ tư, Việt Nam đã có 70 ca bệnh Covid-19 tử vong (gấp hai lần số ca tử vong của 3 làn sóng trước cộng lại).

Do vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Hà Nội cần quyết liệt phòng chống dịch ngay khi dịch vừa tái bùng phát trở lại, bởi nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 liên quan tới bệnh nhân từ TP.HCM
Sáng 9/7, CDC Hà Nội thông tin về 2 ca nhiễm Covid-19 mới tại quận Thanh Xuân, cả 2 trường hợp này đều liên quan đến bệnh nhân từ TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư