Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đứng trong top đầu, hoặc không theo đuổi nữa
Hải bằng - 29/05/2013 08:05
 
Chia sẻ với Báo Đầu tư nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết, CMC sẽ chuyển dịch mạnh sang định hướng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, phần mềm và viễn thông.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Hà Thế Minh, yếu tố công nghệ ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức.

Nếu đầu tư tốt cho công nghệ, các doanh nghiệp sẽ có nhiều công cụ tốt để phục vụ khách hàng, đa dạng hóa dịch vụ, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho mọi hoạt động…

Theo đó, thị trường cần có những nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, đáp ứng được các nhu cầu đa dạng và phức tạp.

Vì vậy, chiến lược đến năm 2015 của CMC sẽ tập trung vào dịch vụ chuyên nghiệp để trở thành thương hiệu số một về các dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực tích hợp hệ thống, phần mềm và viễn thông.

Điều gì khiến ông tự hào nhất sau 20 năm kể từ khi đồng sáng lập và phát triển CMC?

20 năm qua, CMC đã khẳng định vị thế trên nhiều lĩnh vực: tích hợp hệ thống, phần mềm, lắp ráp máy tính, thương mại dịch vụ và mới đây là viễn thông/Internet. Thương hiệu của CMC được nhiều người biết đến. Nhiều sản phẩm của CMC đã được khách hàng, đối tác, hiệp hội, nhà nước công nhận. Nhiều huân chương, huy chương, bằng khen đã được trao cho CMC.

Vào thời điểm này, nhiều người đặt câu hỏi cho tôi như bạn vừa hỏi. Nếu cần lựa chọn chỉ một, thì đó chính là tập thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại CMC hôm nay. Trong 20 năm qua, chúng tôi đã cùng làm việc, cống hiến, đã và đang cùng đóng góp những giá trị vật chất, trí tuệ cho cho xã hội, cho đất nước và góp sức đưa công nghệ thông tin và viễn thông thành một ngành dịch vụ quan trọng của Việt Nam.

Không thể phủ nhận những thành tựu rất đáng nể mà CMC đã tạo ra trong 20 năm qua, nhưng trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, dường như những khó khăn của thị trường đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của CMC?

Công ty, theo quy luật của tạo hóa, có lúc thăng lúc trầm. Hai năm qua là giai đoạn rất khó khăn của chúng tôi. Nói về nguyên nhân, thì khách quan có, chủ quan có, nhưng tựu chung lại vẫn là khả năng bắt kịp với sự phát triển của cuộc sống và cao hơn là sự đón đầu để phát triển.

Tuổi 20 đối với các công ty công nghệ toàn cầu luôn luôn là thách thức. Các công ty lớn như Compaq, Nokia, IBM và rất nhiều công ty khác đang phải đối mặt với khả năng thay đổi, thích nghi với thị trường và đặc biệt là khả năng sáng tạo, tự làm mới mình.

CMC cũng như nhiều công ty khác trong ngành ICT đang đối mặt với các thách thức không nhỏ trên thị trường. Kết quả kinh doanh năm 2011 không như kế hoạch cũng hạn chế khả năng đầu tư mở rộng của chúng tôi. Đây là những nốt trầm không mong muốn, nhưng lại là yếu tố thúc đẩy cần thiết để CMC vươn lên mạnh mẽ hơn sau đó. Và kết quả năm 2012, 2013 và các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ chứng minh điều đó.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa, cá nhân ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường công nghệ thông tin Việt Nam trong một vài năm tới ?

Theo tôi, sự u ám sẽ sớm qua đi trong năm nay và các năm tiếp theo. Cho dù khó khăn đến đâu, thì giờ đây, công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong mỗi đơn vị doanh nghiệp và rộng hơn là các tổ chức, bộ, ngành, Chính phủ. Hãy thử tưởng tượng, hệ thống ngân hàng một giờ không có Internet, hay hệ thống lưu trữ, máy chủ của một tổ chức, doanh nghiệp bỗng nhiên ngừng hoạt động…, tất cả những điều này với thời đại của chúng ta được coi là thảm hoạ.

Thị trường công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam vẫn là một thị trường có tiềm năng phát triển. Sau giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, các tổ chức, doanh nghiệp chắn chắn sẽ đầu tư nhiều cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tăng cường năng lực quản trị cho doanh nghiệp và giảm chi phí.

Hiện tại, rất nhiều nhu cầu về công nghệ thông tin, viễn thông của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam chưa được đáp ứng, đặc biệt là các nhu cầu dịch vụ phức tạp, quy mô lớn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Theo tôi, sự chuyển dịch từ đầu tư phần cứng sang các ứng dụng, dịch vụ theo các xu thế của thế giới chắc chắn sẽ sớm được ứng dụng tại Việt Nam. Đó là các loại hình như: điện toán đám mây (cloud), dịch vụ phần mềm cho thuê (SaaS), các xu hướng tích hợp dịch vụ Internet với mô hình thành phố thông minh, gia đình thông minh sẽ sớm phát triển.

Ông vừa chia sẻ, điều ông tự hào nhất là con người CMC. Vậy, yếu tố con người sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo nên giá trị thành công của CMC?

Trong lĩnh vực về công nghệ, một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công chính là phát triển con người. Chúng tôi không ngừng tìm kiếm và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên gia để nắm bắt được các xu thế mới về công nghệ của thế giới. Vì vậy, cho đến nay, CMC là đơn vị sở hữu nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, như các giải pháp về hạ tầng diện rộng, giải pháp trung tâm dữ liệu cao cấp, điện toán đám mây, các giải pháp chuyên ngành cho thị trường đặc thù như chính phủ, tài chính - ngân hàng hay doanh nghiệp và đặc biệt đang dẫn đầu thị trường trong các giải pháp về giáo dục và an ninh an toàn thông tin…

Vậy “bài ca CMC” sẽ được viết tiếp như thế nào trong những năm tới, thưa ông?

Chiến lược của CMC giai đoạn 2013-2015 được đặt ra với nhiều mục tiêu thách thức. Theo đó, các lĩnh vực mà CMC hoạt động hoặc phải đứng trong top đầu thị trường, hoặc không theo đuổi nữa.

Một trong những giải pháp trọng tâm của CMC là xây dựng năng lực cạnh tranh bằng sự chuyên sâu của các giải pháp và dịch vụ chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Chiến lược thông minh, nâng cao năng lực quản trị chuyên nghiệp và chính sách nhân sự hấp dẫn sẽ làm nên thành công của chúng tôi.

Trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, thị trường tuy cạnh tranh khốc liệt ở các mảng kinh doanh thiết bị, nhưng vẫn còn thiếu vắng các công ty Việt Nam đủ năng lực đảm nhận tổng thầu các dự án lớn, có năng lực quản trị tốt, làm chủ được kỹ thuật công nghệ và phối hợp được với các nhà thầu phụ trong các ứng dụng chuyên ngành. Đây là những điểm khuyết mà CMC SI quyết tâm theo đuổi và đặt mục tiêu giữ vị trí số một về dịch vụ chuyên nghiệp.

Trong lĩnh vực phần mềm, CMC đặt mục tiêu duy trì vị trí top 3 về doanh số và đứng đầu trong một số giải pháp chuyên ngành. Các giải pháp và dịch vụ nổi bật là BPM, ECM, Bảo hiểm, Portal, SAP, trong đó, thị trường trọng tâm của CMC Soft là tài chính công, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, các doanh nghiệp lớn, khối chính phủ.

Trong lĩnh vực viễn thông, Internet, chúng tôi đang nhìn thấy nhu cầu lớn của thị trường về các dịch vụ viễn thông kết hợp với các dịch vụ khác, như dịch vụ quản trị, xu hướng outsource các dịch vụ đó và các dịch vụ hạ tầng khác cho các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyên nghiệp. CMC đang có đầy đủ các điều kiện quan trọng nhất như giấy phép và hạ tầng viễn thông cơ bản, năng lực cung cấp giải pháp và dịch vụ IT tổng quát, hệ thống data center lớn ở 2 miền, cùng đội ngũ các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực. CMC sẽ phấn đấu đạt top 4 trong lĩnh vực viễn thông (non-mobile). Dự kiến đến năm 2015, dịch vụ của CMC Telecom sẽ có mặt ở khoảng 15 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Trong lĩnh vực thương mại, CMC sẽ tập trung phân phối một số sản phẩm chủ lực, không dàn trải, đảm bảo tính an toàn của hệ thống.

Trong 10 năm tới, CMC sẽ là một thương hiệu số một khi khách hàng nghĩ đến các dịch vụ chuyên nghiệp về IT và Telecom.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư