Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dược phẩm nóng chuyện M&A
Hồng Sơn - 06/04/2018 15:08
 
Ngành dược phẩm đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng, hướng tới quy mô thị trường đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2019. Ngoài việc các dự án tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất thì các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành này được dự báo sẽ tiếp đà sôi động.
TIN LIÊN QUAN

Nội, ngoại đua rót vốn

Những tháng đầu năm 2018 ghi nhận nhiều doanh nghiệp cả nội và ngoại mạnh tay rót vốn vào các dự án dược phẩm, trong đó, phần lớn là đầu tư, mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất hiện hữu.

Đơn cử, Công ty cổ phần Dược phẩm OPV của nhà đầu tư Singapore tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) đã đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm hơn 47,7 triệu USD. OPV đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ năm 2003, với số vốn ban đầu là 20 triệu USD. Các sản phẩm chủ yếu được sản xuất tại nhà máy này là dược phẩm dạng viên, dạng lỏng dùng để uống hoặc sử dụng ngoài da, kem hay thuốc dạng mỡ, thực phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm chăm sóc da… Với việc tăng vốn đầu tư lớn lần này, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các đối tác trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Hoa Thiên Phú cho biết, mới đây, nhà máy của doanh nghiệp này tại Bình Dương đã được cấp phép điều chỉnh tăng vốn hơn 78 tỷ đồng, đưa tổng số vốn đầu tư lên hơn 104 tỷ đồng.

Được biết, Nhà máy Hoa Thiên Phú Bình Dương đi vào sản xuất từ giữa năm 2014, hiện có 6 dây chuyền, trong đó 2 dây chuyền sản xuất mỹ phẩm và 4 dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng.

“Hiện nhà máy đã đạt công suất 24 triệu hộp thuốc/năm, đảm bảo sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Nhà máy tại Bình Dương là một trong số ít nhà máy sản xuất dược phẩm trong cả nước đạt chuẩn CGMP - ASEAN, do Bộ Y tế cấp. Trên 80% máy móc trang thiết bị sử dụng tại nhà máy được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Thụy Sỹ. Với việc tăng vốn đầu tư, Hoa Thiên Phú sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như khu vực Đông Nam Á và thế giới”, đại diện của Hoa Thiên Phú nói.

M&A ngành dược sẽ tiếp tục nóng

Ngành dược của Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD). Do đó, ngành dược được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh 10 - 15%/năm trong các năm tới và quy mô thị trường đến năm 2019 sẽ đạt giá trị 7,3 tỷ USD.

Dự báo, M&A ngành dược sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, khi SCIC có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Traphaco...

Sau những thương vụ M&A ngành dược khá đình đám trong thời gian gần đây, dự báo hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang, Traphaco, Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM...

Đây là cơ hội lớn cho các hãng dược nước ngoài. Luật sư Albert Franceskinj, Công ty luật Fidal AsiAttorneys, một hãng luật nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đánh giá: “Việt Nam đang dần trở thành miền đất hứa tràn ngập cơ hội đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành y tế và dược phẩm. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành một số cải cách và ban hành luật mới nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các lĩnh vực trên. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng triệt để hoạt động M&A để nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam và vượt qua được những rào cản của hệ thống cấp phép hành chính phức tạp”.

Do đó, để cạnh tranh thành công và có thể không phải “bán mình”, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Về vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp dược có vốn trong nước cho biết, Công ty đã dành khoản đầu tư 100 tỷ đồng để xây một nhà máy sản xuất dược hiện đại tại TP.HCM. Với khoản đầu tư này, Công ty dành ưu tiên cho sản xuất các sản phẩm liên quan đến tim mạch để làm mũi nhọn thâm nhập thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các sản phẩm có nguồn gốc Đông dược, sản xuất thực phẩm chức năng cũng tạo được chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, các sản phẩm của doanh nghiệp đã phủ sóng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng tính toán đến việc tăng đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp dược trong nước là tỷ trọng nguồn nguyên liệu nhập khẩu quá lớn, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý một khi tỷ giá biến động. Vì vậy, bên cạnh chú trọng đầu tư nhà máy sản xuất, việc xây dựng chuỗi nguyên liệu riêng, cải thiện chuỗi giá trị gia tăng sẽ là hướng đi cần thiết để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ lớn bên ngoài…

Điều dễ nhận thấy, trong cuộc chơi này, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực R&D và bề dày kinh nghiệm so với đại đa số doanh nghiệp nội có quy mô vừa và nhỏ. Do đó, ngoài việc mạnh tay đầu tư cho sản xuất thì các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong đó, phải đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành quốc tế như PIC/S và EU-GMP nhằm tăng cơ hội tiếp cận ở phân khúc cấp cao, cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư