Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dược phẩm phát minh: Cơ hội cho Việt Nam
Mộc An - 11/11/2023 17:56
 
Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh hiện nay đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đầu tư phát triển ngành dược phẩm phát minh.
Ảnh minh họa.
Để trở thành trung tâm sản xuất dược, Việt Nam cần những bước đột phá trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm.

Cơ hội

Ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group chia sẻ, dược phẩm phát minh là ngành có đầu tư vào đổi mới sáng tạo cao nhất. Trong giai đoạn 2013 - 2023, ngành dược phẩm phát minh đầu tư trên 1.000 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Các khoản đầu tư này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế thông qua các bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đăng ký bởi ngành dược phẩm phát minh, mà có giá trị lan tỏa rộng khắp sang nhiều ngành nghề khác, từ đó góp phần tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây chính là lý do thu hút đầu tư vào ngành dược phẩm phát minh trở thành ưu tiên của nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực y dược có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực y dược với thế mạnh công nghệ, đổi mới sáng tạo đang rất quan tâm đến Việt Nam.

Chẳng hạn, Tập đoàn Viatris (hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, có trụ sở chính tại Mỹ) đã thông báo mở rộng quan hệ đối tác với Công ty Dược phẩm Medochemie (có trụ sở tại Cộng hòa Síp) để sản xuất các sản phẩm dược phẩm tiên tiến tại nhà máy của Medochemie ở Việt Nam. Theo đó, Viatris sẽ chuyển giao công nghệ cho Medochemie để sản xuất các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của Viatris tại Việt Nam.

Bà Eunice Cho, Tổng giám đốc Viatris Vietnam chia sẻ, sự hợp tác với Medochemie là cột mốc quan trọng trong nỗ lực nội địa hóa và cam kết của doanh nghiệp, nhằm mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận thuốc chất lượng cho người dân Việt Nam. Viatris sẽ tiếp tục đồng hành, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ, thúc đẩy khả năng tiếp cận thuốc có chất lượng thông qua sản xuất tại địa phương.

Còn nhiều chông gai

Tốc độ tiếp cận các loại thuốc phát minh ở nước ta còn chậm so với nhiều nước trên thế giới. Nhiều bệnh nhân trong nước phải ra nước ngoài để tìm các phương pháp điều trị mới. Vì thế, để trở thành trung tâm sản xuất dược, theo các chuyên gia, Việt Nam cần những bước đột phá trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, TS. Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện K), cho biết, thử nghiệm lâm sàng là bước cực kỳ quan trọng đưa nghiên cứu áp dụng cho con người, đưa hiệu quả nghiên cứu vào thực hành lâm sàng.

Việt Nam mới bắt đầu triển khai hoạt động thử nghiệm lâm sàng. Hiện nay, tại các trung tâm ung thư trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng trên 10%, trong khi đó, ở nước ta, con số này rất thấp, chỉ 1 - 2%. 

Việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân sớm tiếp cận các loại thuốc mới trên thế giới. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển ngành dược nước ta trong tương lai.

Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường năng lực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và phát triển thuốc mới, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), thu hút đầu tư bằng môi trường pháp lý. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao.

TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng, phân phối; dành ưu đãi cao cho nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, vắc-xin, sinh phẩm.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch, bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc, quy hoạch phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu. “Chúng ta cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham gia hợp tác quốc tế nhằm phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược…”, TS. Hùng nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, theo ông Emin Turan, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cụ thể là dược phẩm. Điều này giúp bệnh nhân có thể tiếp cận các loại thuốc phát minh, thuốc tiên tiến mới nhất, tốt nhất. Người bệnh không cần tìm giải pháp điều trị ở nước ngoài mà có thể tiếp cận ngay ở trong nước. Bên cạnh đó, nên tạo ra chính sách giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng lực nghiên cứu và phát triển để từ đó nâng cao năng lực của ngành y tế nội địa, thúc đẩy nỗ lực đầu tư tại thị trường địa phương của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia.

“Tôi hy vọng Việt Nam có thể tìm ra cách để tạo sự khác biệt... Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực”, đại diện Pharma Group bày tỏ.

Phát triển ngành Dược: Cần cơ chế đi tắt, đón đầu
Ngành Dược Việt nhiều tiềm năng nhưng chưa bứt phá. Vì sao như vậy? "Đi tắt, đón đầu" trong đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư