Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Đường găng tiến độ bất ngờ tại Dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong
Anh Minh - 23/08/2024 13:52
 
Tình hình địa chất khu vực hầm Tuy An diễn biến bất lợi khiến hạng mục này đã và đang trở thành đường găng tiến độ tại Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.
Xử lý
Xử lý hiện tượng cát chảy từ đỉnh hầm đường bộ cao tốc Tuy An.

Mới hơn 6 giờ sáng ngày 20/6, nhưng tại phần công trường thi công hầm Tuy An (Phú Yên) thuộc Gói thầu XL01 - Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong do các mũi thi công của Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đã vang rền tiếng máy.

Tiến chắc, tiến an toàn

Dưới cái nắng như nung cuối hè lên tới hơn 40 độ tại khu vực Nam Trung Bộ, các đơn vị thi công vào ca sớm hơn để có thể kết thúc ca làm việc đầu tiên vào tầm 11 giờ. Quãng nghỉ hơn 1 giờ 30 phút là khoảng thời gian thi công quý giá để các công nhân của Tập đoàn Đèo Cả khẩn trương ăn trưa và có một giấc ngủ ngắn trong các nhà công vụ sát công trường có gắn máy lạnh trước khi bắt đầu ca làm việc chiều.

Cần phải nói thêm rằng, các nhóm thợ cơ khí dù phải thi công ngoài trời đang nóng như rang để chuẩn bị các bộ ván khuôn đúc vỏ hầm nặng cả trăm tấn vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với các kỹ sư, công nhân đang làm việc tại các mũi thi công hầm Tuy An.

Dù không phải làm việc ngoài trời và được bơm khí tươi liên tục nhưng không khí trong hầm Tuy An lúc nào đặc quánh tiếng ồn, độ ẩm rất cao khiến nơi đây như một “nồi hầm”, người bình thường chỉ đứng một lúc là cảm thấy tức ngực ngạt thở. Mặc dầu vậy ở sâu bên trong đoạn hầm, các công nhân vận hành máy khoan hầm của Tập đoàn Đèo Cả vẫn nhẫn nại tỉa phẳng mặt gương hầm, trước khi khoan hàng trăm mũi vào lớp đá cứng phục vụ công tác nổ mìn.

Không khí làm việc trong công trường diễn ra rất khẩn trương nhưng gương mặt của ông Trương Công Đạt - Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL01 vẫn không được vui bởi tiến độ thi công hầm Tuy An vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Sau những thuận lợi ban đầu, từ nhiều tháng nay, tiến độ thi công hầm Tuy An chỉ đạt khoảng 0,5 m/ngày trong khi kế hoạch đề ra phải đạt khoảng 4 m/ngày (đây cũng là tiến độ thi công cần thiết để hầm Tuy An có thể hoàn thành vào cuối tháng 9/2025).

Cần phải nói thêm rằng, đối với những người thợ đào hầm của Tập đoàn Đèo Cả, nhịp tiến bình quân 0,5 m dài mỗi ngày thực sự gây ức chế lớn bởi nếu điều kiện thuận lợi, nhà thầu này có thể thi công từ 6-8 m dài mỗi ngày.

Tại hầm Tuy An dù có quy mô không lớn (khoảng 800m dài) nhưng nền địa chất rất phức tạp khi sau mỗi đợt nổ mìn, bên cạnh các khối đá lớn là hàng chục ngàn m3 cát tuôn xuống như thác buộc đơn vị tiến chắc, tiến chậm để đảm bảo an toàn, đồng thời mất nhiều thời gian để gia cố vỏ hầm trước khi thực hiện các công đoạn tiếp theo.

“Gần một tháng nay, ngày nào các mũi đào hầm cũng phải tình trạng địa chất yếu như vậy khiến công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn. Tại 2 ống hầm phía Nam hầm Tuy An, Tập đoàn Đèo Cả đã đào được hơn 600m, chỉ còn lại khoảng 200m nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước do địa chất đoạn hầm cực kỳ phức tạp, khó lường”, ông Trương Công Đạt cho biết.

Chung sức vượt khó

Theo ông Trương Công Đạt, nếu chiểu theo hồ sơ thiết kế trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hầm Tuy An sẽ xuyên qua đới địa chất đá cứng có cường độ 800 – 1000 kg/cm2 và phần đá đào hầm được tận dụng để phục vụ công tác sản xuất vật liệu đá cho bê tông và một số hạng mục khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, địa chất hầm thay đổi gần như hoàn toàn từ đá cứng sang đá phong hoá mạnh thành đất, cát… dẫn đến công tác thi công đào hầm gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa chất phức tạp, thường xuyên xuất hiện hiện tượng cát chảy, sạt lở gương đào, chuyển vị kết cấu chống đỡ… ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.

“Chúng tôi đã thi công nhiều hầm đường bộ lớn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam như: Đèo Cả, Cù Mông, Thung Thi, Trường Thi nhưng chưa bao giờ gặp phải đới địa chất lạ kỳ như vậy. Bản thân các chuyên gia hàng đầu về hầm tại Đại học GTVT cũng phải thừa nhận đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ”, ông Trương Công Đạt cho biết.

Để đảm bảo công tác an toàn, chất lượng và mục tiêu tiến độ đề ra, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, như: tăng cường kết cấu chống đỡ, phun bê tông, cắm neo vượt trước,… và thực hiện công tác khoan thăm dò địa chất (từ 45-50m) trước gương hầm để đánh giá địa chất, đưa ra các giải pháp xử lý, biện pháp thi công, tập kết vật tư, vật liệu tại công trường để sẵn sàng ứng phó kịp thời trước khi tiến hành khoan nổ, tiến gương.

Đồng thời, Ban điều hành dự án luôn đề cao, tuân thủ công tác an toàn, chất lượng,… trong quá trình tổ chức thi công, tuyệt đối không được vì chạy đua tiến độ để xảy ra các sự cố, mất an toàn…bởi một khi sự cố xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý, khắc phục và chắc chắn tiến độ sẽ khó đảm bảo hoàn thành như mục tiêu đề ra.

Theo đại diện Ban điều hành Gói thầu XL01, để khắc phục khó khăn do gặp tình trạng địa chất yếu ở hầm Tuy An, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công cuốn chiếu, tăng nhân sự gấp gần hai lần so với dự kiến.

"Theo tính toán ban đầu chỉ cần khoảng 300 người để thi công ở hầm Tuy An, hiện nay nhà thầu phải tăng nhân sự lên hơn 500 người. Bên cạnh đó, biện pháp thi công hầm Tuy An buộc phải thay đổi do địa chất thực tế sai khác hoàn toàn so với lúc khảo sát, thiết kế ban đầu nên chi phí phát sinh ở gói thầu lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt chi phí dự phòng của gói thầu và Tập đoàn Đèo Cả đang phải tạm ứng trước phần chi phí này", đại diện Ban điều hành Gói thầu XL01.

Việc thi công hầm Tuy An kéo dài hơn dự kiến đang gây rất nhiều khó khăn về dòng tiền cho đơn vị thi công. Chỉ tính riêng tiền điện cấp cho hệ thống thông gió, mỗi ngày Tập đoàn Đèo Cả phải chi tới cả trăm triệu đồng.

Điều đáng nói, nếu tình hình địa chất hầm Tuy An tiếp tục diễn biến bất lợi, chi phí phát sinh có thể lên tới 700 – 800 tỷ đồng, vượt cả chi phí dự phòng khối lượng của Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

“Hiện tại lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm bám sát tiến độ chung của Gói thầu XL01 và toàn Dự án là hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 9/2025. Tuy nhiên để xử lý đường găng tiến độ hầm Tuy An, nhà thầu cần sự chung tay phối hợp của chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan đặc biệt là việc thanh toán, xử lý các khối lượng phát sinh đảm bảo dòng tiền phục vụ thi công luôn thông suốt”, đại diện Ban điều hành Gói thầu XL01 cho biết.

Gói thầu XL01 có tổng chiều dài: 24 km (huyện Tuy An: 15,88km; TP. Tuy Hòa: 8,12 km), trong đó tuyến chính 22,98km và phạm vi hầm xuyên núi dài 1,02 km. Tổng giá trị hợp đồng là 4.303 tỷ đồng. Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án 7. Tư vấn giám sát: Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội (CTEC) và Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC) Liên danh nhà thầu: Tổng Công ty Thăng Long - Lũng Lô - Tập đoàn Đèo Cả - Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty 68.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư