Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Đường găng tiến độ tại Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua Tuyên Quang
Anh Minh - 09/10/2024 08:59
 
Nếu không bàn giao sớm mặt bằng, đặc biệt là công địa thi công cho 20 cầu thuộc Gói thầu XL 24 thì Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang sẽ khó có thể hoàn thành vào cuối năm 2025.
Thi công Gói thầu XL24, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua Tuyên Quang.
Thi công Gói thầu XL24, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua Tuyên Quang.

Gần 3 tuần sau trận bão số 3 và hoàn lưu sau bão, nhịp thi công khẩn trương trên các công trình cầu thuộc Gói thầu số 24, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đã trở lại, thậm chí còn rốt ráo hơn để bù lại khoảng thời gian công trường gần như bị ngưng đọng do ảnh hưởng thời tiết.

Ông Lê Đức Tranh - Giám đốc điều hành Gói thầu XL24 cho biết, liên danh nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cầu 75 đã huy động 200 công nhân, thợ lái máy, lao động phổ thông, 40 cán bộ kỹ thuật nhân sự quản lý cùng 150 máy móc, thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 30 mũi thi công trên phạm vi toàn bộ gói thầu.

“Số lượng máy móc thiết bị, nhân sự được nhà thầu bố trí sẵn sàng để điều động ra hiện trường ngay khi tiếp tục có mặt bằng có mặt bằng được bàn giao có thể thi công được. Hiện sản lượng toàn gói thầu đạt khoảng 110 tỷ đồng, tương ứng 15% giá trị hợp đồng”, ông Lê Đức Tranh cho biết.

Tại Gói thầu XL 24, cầu Hàm Yên - công trình cầu vượt sông Lô có chiều dài khoảng 343 m, là cây cầu lớn nhất của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, 2 trụ nằm giữa sông cũng đang được thi công trở lại sau khi chờ điều chỉnh thiết kế do gặp phải hang caster.

Tính đến giữa tháng 10/2024, các đơn vị thi công đã đổ bê tông 44/57 cọc, trong đó có 4/4 cọc khoan nhồi mố M1; 5/5 cọc khoan nhồi trụ T1; 5/12 cọc khoan nhồi trụ T2; 12/12 cọc trụ T3; 5/5 cọc khoan nhồi trụ T4; 6/6 cọc khoan nhồi trụ T5; 7/7 cọc khoan nhồi mố M2; đã đổ bê tông bệ trụ T1, T5, Mố M1, M2; thi công đúc dầm I33m được 15/20 phiến.

“Đến thời điểm này cầu Hàm Yên đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiến độ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”, ông Lê Đức Tranh khẳng định.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, trong số 6 gói thầu xây lắp của Dự án được triển khai, Gói thầu số 24 chính là gói thầu có giá trị sản lượng tốt nhất. Sau 10 tháng kể từ khi "tính giờ", 5 gói thầu xây lắp còn lại thuộc phần công địa qua tỉnh Tuyên Quang chỉ loanh quanh ở mức 11 - 12% giá trị hợp đồng.

Cần phải nói thêm rằng, Gói thầu XL24 được chủ đầu tư phân chia khá đặc biệt khi 20 cầu vượt quốc lộ, cầu vượt sông trên đoạn tuyến nằm rải rác suốt trong phạm vi 70 km. Đây là thách thức rất lớn đối với nhà thầu trong việc tối ưu hóa các biện pháp tổ chức thi công.

Thay vì có thể thi công cuốn chiếu, để đáp ứng yêu cầu hoàn thành công trình vào cuối năm 2025, các nhà thầu buộc phải tổ chức thi công đồng loạt tại 20 vị trí, huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất tại Gói thầu XL24 mà liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Cầu 75 đang phải xử lý.

Theo Ban điều hành Gói thầu XL24, sau 10 tháng triển khai, mới chỉ có 15/20 cầu được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng gồm: Mỹ Lâm, Đức Ninh, Ngòi Là 2, Khe Lãnh, Ơ Rô, Ngòi Lũ, Ngòi Họp, Suối Thụt, cầu vượt Quốc lộ 37 Km12+450, cầu trên nhánh nút giao Quốc lộ 3B (Km34+631), cầu vượt ĐT.189 (Km69+672,89), cầu trên nhánh nút giao Bạch Xa (Km70+949.58).

Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao phần dưới nước cầu Hàm Yên (Km49+663,5) và cầu Vĩnh Tuy (Km76+798,74).

Trong số 15 cầu được cho là đã bàn giao mặt bằng vẫn còn một số dự án cầu đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân nhằm sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, nhà thầu cũng chủ động hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân tại khu vực cầu Hàm Yên, Km48, cầu vượt Quốc lộ 37, Khe Lãnh, Ngòi Là 2... để đảm bảo tiến độ thi công.

Ngoài ra, tại các cầu trọng điểm như Hàm Yên, cầu vượt Quốc lộ 37, và Km48, nhà thầu đã đẩy mạnh thi công, tăng cường từ “2 ca, 2 kíp” lên “3 ca, 3 kíp”. Mục tiêu đến cuối năm 2024 nhận được toàn bộ mặt bằng bàn giao và hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

“Hiện nhà thầu đã phải chủ động bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê đất của người dân để có thể tiếp cận các vị trí thi công. Tinh thần là có mặt bằng đến đâu, chúng tôi sẽ lập tức đưa nhân lực, thiết bị vào thi công, kể cả công địa chỉ có đủ để thi công 1 trụ cầu”. lãnh đạo Ban điều hành Gói thầu XL24 cho biết và nhấn mạnh nếu công tác bàn giao mặt bằng không được xử lý dứt điểm trong quý IV/2024 thì đây sẽ là đường găng tiến độ của toàn công trình.

Trong báo cáo tình hình thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang gửi Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vào đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang thừa nhận, tiến độ Dự án chưa đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch đã đề ra.

Ngoài lý do thời tiết diễn biến bất lợi, mặt bằng triển khai thi công trên đoạn tuyến qua Tuyên Quang mới đạt 56,96/69,7 km, bằng 81,72%.

Trên toàn tuyến còn có một số đoạn tuyến, vị trí điểm nghẽn thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng cần phải giải quyết, gồm: đất của các lâm trường đang quản lý; đất của các hộ gia đình có liên quan đến đất của các lâm trường; đất lúa vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích phi nông nghiệp…

“Các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đều thuộc trách nhiệm giải quyết của tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc này để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu theo đúng kế hoạch đã đề ra”, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang thông tin.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài tuyến 77 km, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m; giải phóng mặt bằng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 25,25 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, trong đó có 4.497,17 tỷ đồng (2.430 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; 2.067.17 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025), vốn ngân sách địa phương là 2.302,83 tỷ đồng.
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2023 – 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư