Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Đường nhập khẩu đè bẹp sản xuất trong nước
Hải Yến - 29/10/2020 08:59
 
Thúc thủ trước đường nhập khẩu, trong niên vụ 2019/2020 đã có gần 1/3 số nhà máy đường tại Việt Nam phải đóng cửa.
Đường trong nước khó tiếp cận thị trường bởi đường nhập lậu và hành vi phản cạnh tranh từ nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh
Đường trong nước khó tiếp cận thị trường bởi đường nhập lậu và hành vi phản cạnh tranh từ nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Nhập khẩu 1,2 triệu tấn đường trong năm 2020

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.

Kể từ đây, thị trường đường trong nước đã có một cuộc cạnh tranh vốn đã không cân sức từ đường nhập lậu, thì nay, đường nhập chính ngạch ùn ùn đổ về thị trường nội địa, khiến hàng sản xuất trong nước càng thêm điêu đứng.

Số liệu của Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gần 7 lần so với năm 2019, đạt gần 950.000 tấn, trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 860.000 tấn, (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn), đồng thời cao hơn 12,1% so với sản lượng đường mía sản xuất trong nước.

Con số thống kê tạm tính trong 9 tháng, lượng đường nhập khẩu đã lên tới 1 triệu tấn và dự kiến cả năm 2020 sẽ vượt 1,2 triệu tấn.

Ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA)  khẳng định,  chưa nói đến đường lậu nhập, ngay đường Thái nhập khẩu chính ngạch cũng đã khiến sản phẩm của doanh nghiệp nội địa tiêu thụ rất khó khăn do không thể cạnh tranh nổi.

Được biết, giá thành sản xuất đường trắng tại Thái Lan đạt mức trung bình 8.400 đồng/kg do giá mua mía nguyên liệu tại nước này được trợ giá bởi Chính phủ và ấn định ở mức trung bình 630.000 - 650.000 đồng/tấn.

Đường nội oằn vai

Theo báo cáo từ các nhà máy đường, vụ ép 2019/2020, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn mía (kế hoạch dự kiến đầu vụ là 9.750.475 tấn) và sản xuất được gần 800.000 tấn đường các loại.

Như vậy, đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 vụ gần đây, (tính từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu sản xuất là vụ 1999/2000). Đó là nguyên nhân khiến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 30 nhà máy hoạt động trong vụ 2019/2020.

Là doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện lớn nhất tại miền Bắc, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS) cho biết, do giá đường nhập ngày càng rẻ, đường sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho lớn, chưa kể nhiều loại đường lỏng tràn vào không kiểm định chất lượng, không đánh thuế nhập khẩu vào Việt Nam.

Kết thúc niên vụ 2019/2020, doanh thu của LSS đạt hơn 1.700 tỷ đồng, giảm 2,8%, nguyên nhân chính là áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu và ảnh hưởng của giãn cách xã hội khiến tiêu thụ đường tiêu dùng trong nước giảm nhẹ.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty LSS cho rằng, cần chặn đường nhập lậu và sử dụng thêm chính sách để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Công ty CP Mía đường Sơn La (SLS) dẫu có lợi thế giá thành sản xuất thấp và đầu ra nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng tại nội địa, doanh nghiệp cũng khó xoay xở với lượng đường nhập khẩu quá lớn tràn vào nội địa.

Lãnh đạo SLS cho rằng, trong cả giai đoạn 2017 - 2019, toàn ngành đường gặp khó khăn trong bán hàng do cạnh tranh với đường lậu từ Thái Lan, ảnh hưởng không nhỏ tới SLS và các công ty thương mại đường. Công ty Mía đường Sơn La dự báo, năm 2020 khó khăn vẫn tiếp diễn với áp lực cạnh tranh nặng nề hơn.

Theo phản ánh của doanh nghiệp mía đường, trong khối ASEAN có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam đã cam kết và nghiêm túc thực hiện thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường bắt đầu từ thời điểm 1/1/2020. Tuy nhiên, các quốc gia còn lại trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường và đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Điển hình là Thái Lan, Chính phủ nước này vẫn trực tiếp trợ cấp bằng cách hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất phục vụ cho vụ 2019/2020, với tổng quỹ ngân sách dành là 10.236,50 tỷ Baht (tương đương 325 triệu USD).

Theo VSSA, việc các nước không tuân thủ luật chơi ATIGA là không công bằng cho mía đường Việt Nam.

Dùng Công cụ phòng vệ cứu ngành đường

Trước tình trạng đổ bộ của đường nhập khẩu và sự bảo trợ ngành sản xuất trong nước của một số quốc gia, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp bằng chứng cho thấy, sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Tuy nhiên, không chỉ đương đầu với đường mía, các doanh nghiệp nội còn chịu thêm một cú bồi của sản phẩm đường lỏng tràn vào thị trường. Đó là một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô, có mã HS 1702.60.10 và 1702.60.20,  xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đường lỏng chính là xi-rô bắp giàu fructose, một thực phẩm công nghiệp được dùng rộng rãi trong chế biến thức ăn nhanh, thực phẩm đóng chai. Thời gian qua, đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM có giá chỉ khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước tùy loại.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar cho biết, cần có giải pháp để vực dậy ngành mía đường. Từ trước khi Hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc, nhưng hiện chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công thương đang điều tra theo đúng quy định của pháp luật để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh.

Trong khi chờ đợi công cụ phòng vệ phát huy tác dụng, trước mắt, các doanh nghiệp vẫn đang thoi thóp vì cạnh tranh không cân sức.

Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.

9 tháng 2020, đường nhập đã xấp xỉ 1 triệu tấn và dự báo vượt 1,2 triệu tấn trong cả năm 2020, có thể lên tới 1,6-1,7 triệu tấn vào năm sau. Thị phần đường trong nước do đường ngoại chi phối.

Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương)
Hiệp hội Mía đường kiến nghị đấu thầu đường nhập khẩu của Hoàng Anh Gia Lai
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu lượng hạn ngạch 50.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư