Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đường sắt đô thị số 2: Ga ngầm C9 càng chậm tiếp độ, chi phí càng tăng cao
Thu Trang - 20/11/2018 11:08
 
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nếu còn tiếp tục bàn cãi sẽ không kịp tiến độ xây dựng Ga ngầm C9, cũng như cả hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội nói chung.
1
Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Hôm qua 19/11, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 – ga Hồ Hoàn Kiếm, thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.

Tại Toạ đàm, đại diện BQLDA cho biết, qua quá trình nghiên cứu, hướng tuyến tại khu vực trung tâm thành phố của dự án được đề xuất là hướng tuyến đi qua khu vực gần trung tâm phố Cổ, qua các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cổ Việt.

Ga C9 dự kiến bố trí bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ, phía trước Tổng Cty Điện lực TP Hà Nội.

Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Cty Điện lực TP Hà Nội, cách Tháp Bút khoảng 36m, cách mép hồ khoảng 10m, có phần nằm trong khuôn viên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm, thuộc khu vực bảo về II của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiến, đền Ngọc Sơn.

Ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 và cụm công trình phụ trợ (tháp thông gió, làm mát, thang máy cho người khuyết tật…) được bố trí trong khuôn viên Tổng Cty Điện lực TP Hà Nội. Cửa số 2 bố trí trong đất Tổng Cty Điện lực Miền Bắc. Cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử quân, dưới phố Hàng Dầu.

Theo phân tích của BQLDA, so với các phương án khác, phương án này có phần nằm trong khu vực bảo vệ II nhưng nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I của di tích hồ Gươm, Tháp Bút; có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ; không phải GPMB dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận; bảo đảm khoảng khách hợp lý đến các ga kết nối khác…

1
Nhiều nhà khoa học bày tỏ ủng hộ vị trí ga ngầm C9- hồ Hoàn Kiếm và mong sớm triển khai dự án

Vị trí nhà ga C9, các cửa lên xuống, được các cơ quan liên quan cơ bản thống nhất. Đặc biệt, trong lần trưng bày giới thiệu lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 hồi tháng 3/2018, BQLDA Đường sắt Hà Nội đã nhận được hơn 1.700 phiếu đóng góp, trong đó 90,3% đồng ý với phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 dự kiến.

Cũng theo BQLDA, trong quá trình thi công, dự án áp dụng các phương án thi công ga ngầm và tuyến hầm tiên tiến nhất, nhằm giảm thiểu tối đa, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu tực đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích.

Dự án cũng được thiết kế lắp đặt hệ thống kết cấu đường sắt chạy tàu chống rung, sẽ giảm tối đa tiếng ồn và rung động. Trong giai đoạn vận hành tàu, mức ồn và rung động trong hầm sẽ nhỏ hơn 65dB, dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Thậm chí, giá trị đó còn giảm đo nhiều (bị triệt tiêu) trên bề mặt nền đất do có vỏ hầm và lớp đất dày bao phủ bên trên, bảo đảm không ảnh hưởng tới các công trình di tích và các công trình lân cận tuyến, trong đó có Tháp Bút, đền Bà Kiệu.

Trước lo ngại, ga C9 sẽ góp phần tạo xung đột giao thông trong khu vực, đại diện của BQLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: Ga C9 chỉ có vai trò trung gian, đáp ứng như cầu của hành khách là dân địa phương, nhân viên đến làm việc tại các cơ quan trong khu vực, du khách tham quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ga C9 không phải là ga đầu mối, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác, nên theo tính toán lưu lượng khách thấp hơn so với các ga khác.

Vào các ngày lễ, cuối tuần, khách đến trung tâm Hà Nội sẽ tăng nhưng hệ thống tàu điện ngầm cùng hệ thống giao thông mặt đất sẽ bảo đảm lưu thoát nhanh cho người dân ra khỏi khu vực.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đô thị tập trung đóng góp ý kiến cho dự án, nhất là vị trí ga C9, các cửa lên xuống, đặc biệt là cửa số 3, cửa duy nhất nằm ở phía bờ hồ.

Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Trần Thị Lan Anh cho biết, vị trí Ga C9 được lựa chọn hiện nay là đã rất phù hợp với tuyến ĐSĐT số 2 cũng như khu vực không gian Hồ Gươm; giải pháp thi công cũng phù hợp, chi phí xây dựng cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, bà cũng đề nghị chủ đầu tư, tư vấn và các đơn vị liên quan tăng cường thêm các giải pháp kỹ thuật. Đặc biệt là nên ứng dụng công nghệ cao, thông minh cùng các giải pháp kiến trúc giúp lồng ghép kiến trúc ga với không gian xanh xung quanh, đảm bảo công năng sử dụng mà không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường. 

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội hiện là đô thị 10 triệu dân, giao thông đang trở thành vấn đề hết sức quan trọng và có xu hướng ngày càng diễn biến xấu đi. ĐSĐT có vai trò rất quan trọng đối với Hà Nội, chậm phát triển ĐSĐT ngày nào, thành phố còn phải đối mặt với UTGT ngày đó. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ tuyến ĐSĐT số 2 mà còn ảnh hưởng chung đến cả hệ thống ĐSĐT của Thủ đô.

Vẫn còn những ý kiến lo ngại về sự ảnh hưởng của dự án đến hệ thống di tích trong quá trình thi công, vận hành, về nguy cơ xảy ra xung đột giao thông trong khu vực, nhưng cơ bản, các chuyên gia cho rằng vị trí đề xuất ga C9 hiện nay là phù hợp, ảnh hướng ít nhất đến di tích.

Vị trí ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực trung tâm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch GTVT Hà Nội đã được duyệt.

Theo các chuyên gia, quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ năm 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án, có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tiếp tục tăng lên do các yếu tốt trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi. Do vậy, các chuyên gia đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo của dự án, theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP Hà Nội, có lộ trình Nội Bài – Nam Thăng Long – Thượng Đình.

Giai đoạn 1 của tuyến 2 là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dự án). Đây là dự án trọng điểm quốc gia của Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Dự án có chiều dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6km đi cao, gồm 1 khu depot tại Xuân Đỉnh, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.

Hiện quy hoạch tổng mặt bằng toàn bộ các hạng mục của dự án như khu depot Xuân Đỉnh, 3 ga và đoạn tuyến đi trên cao, 6/7 ga ngầm và đoạn tuyến đi ngầm đã được phê duyệt và đang tiến hành công tác GPMB.

Duy nhất ga C9- ga hồ Hoàn Kiếm chưa được phê duyệt do ví trí tuyến và ga có phần nằm trong vùng bảo vệ II của di tích quốc gia và thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Hà Nội lấy ý kiến người dân về ga ngầm đường sắt đô thị cạnh Hồ Gươm
Từ 9h sáng ngày 9/3 đến 31/3, địa điểm tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, mô hình Tổng mặt bằng ga ngầm C9...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư