Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Duy trì niềm tin giữa start-up và nhà đầu tư
Đức Thọ - 12/11/2023 08:12
 
Kể cả khi đã gọi vốn thành công, start-up vẫn cần nuôi dưỡng niềm tin để có được sự hỗ trợ kịp thời từ phía nhà đầu tư, tăng cơ hội nhận tiếp vốn trong những vòng sau.

Theo CBInsights, mối quan hệ thiếu tin tưởng, bất hòa với nhà đầu tư là lý do thứ 10 trong 12 lý do thất bại của một start-up. Khi không còn niềm tin với nhau, nhà đầu tư không thể hỗ trợ start-up lúc khó khăn hay sẵn sàng đầu tư thêm vốn để start-up phát triển tiếp.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam chia sẻ, niềm tin giữa 2 bên không chỉ được xây dựng trong một vài buổi gặp gỡ ban đầu, mà cần một hành trình dài vun đắp liên tục. Kể cả khi start-up đã nhận vốn từ vòng đầu tiên, thì các nhà sáng lập vẫn cần tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin với nhà đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư đi đến quyết định có tham gia vào vòng gọi vốn tiếp theo của start-up nữa hay không, cũng như tiếp tục ủng hộ và đồng hành, hỗ trợ start-up.

Đại diện Genesia Ventures cho biết, trong những start-up mà Quỹ rót vốn tại Việt Nam, Fundiin (nền tảng mua trước trả sau) đã và đang kết nối rất tốt với nhà đầu tư. Nguyễn Ảnh Cường, nhà sáng lập Fundiin luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tin tưởng với những nhà đầu tư thông qua việc gửi báo cáo hằng tháng rất chỉn chu và đều đặn kể từ khi Genesia Ventures rót vốn vào Fundiin đến nay.

Bà Dung phân tích, khi các nhà sáng lập duy trì sự kết nối với nhà đầu tư như cách Fundiin đang làm, nhà đầu tư sẽ được cập nhật thường xuyên và nắm được tình hình đúng nhất của công ty, từ đó có thể giới thiệu, kết nối start-up với những khách hàng hay nhà đầu tư khác theo tiêu chí “đúng người, đúng thời điểm”. Ngoài ra, việc nhà đầu tư hiểu rõ quá trình phát triển của start-up sẽ giúp họ có niềm tin vào khả năng thực thi của đội ngũ start-up, gia tăng cơ hội tiếp tục đầu tư vào start-up ở các vòng gọi vốn trong tương lai.

Thậm chí, việc start-up phải cập nhật những thông tin không tích cực như tăng trưởng chậm lại hay khó khăn khi phát triển kinh doanh, các vấn đề nội bộ phát sinh… với nhà đầu tư cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Bởi theo bà Dung, nhà đầu tư đều hiểu rằng, thăng - trầm là điều tất yếu trong mọi quá trình “phá kén” phát triển của start-up. Thậm chí, nếu nhà sáng lập chia sẻ rõ lý do và các phương án cải thiện, nhà đầu tư lại càng tin tưởng vào bản lĩnh của nhà sáng lập và đội ngũ start-up.

Để hoạt động cập nhật được tiến hành hiệu quả, đại diện Genesia Ventures gợi ý, ngay sau khi nhận vốn, nhà sáng lập cần thống nhất trước với nhà đầu tư về những chỉ số quan trọng cần có trong báo cáo của mình, hình thức báo cáo (gửi qua email, qua công cụ quản lý KPI chung, hay họp trực tiếp) và thời gian báo cáo cụ thể. Tiếp theo, nhà sáng lập có thể chuẩn hóa mẫu báo cáo của mình, để đảm bảo tài liệu báo cáo đã chứa đựng đầy đủ thông tin quan trọng, được cập nhật tới nhà đầu tư chính xác, nhất quán và dễ theo dõi.

Bên cạnh báo cáo bằng văn bản hằng tháng, nhà sáng lập và các nhà đầu tư có thể tăng cường giao tiếp thông qua trao đổi nhắn tin, qua những buổi ăn trưa hay gặp gỡ, uống cà phê… Nếu có những quyết định quan trọng cần tham vấn ý kiến nhà đầu tư, thì start-up có thể tổ chức các buổi họp trực tiếp để hai bên cùng trao đổi.

“Một sự thật rất nghiệt ngã trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp, đó là nhà đầu tư đến vì niềm tin và ra đi cũng vì niềm tin đó không còn”, bà Hoàng Thị Kim Dung chia sẻ. Nhà đầu tư này hy vọng, cả start-up lẫn nhà đầu tư luôn giữ được niềm tin một cách thật nhất quán, kỷ luật.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC): Bệ phóng cho start-up Việt Nam
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) đã và đang trở thành chỗ dựa vững chắc, bệ phóng cho các start-up, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư