Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
ECB cắt giảm lãi suất, không hé lộ bước đi tiếp theo
Đông Phong - 12/09/2024 21:19
 
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào ngày12/9 trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế chững lại.
Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở ngân hàng Trung ương châu Âu tại Đức. Ảnh: AFP
Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Đức. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, các quan chức ECB hầu như không đưa ra manh mối nào về động thái tiếp theo của họ, ngay cả khi các nhà đầu tư đặt cược vào chính sách nới lỏng ổn định trong những tháng tới.

ECB đã hạ lãi suất tiền gửi 25 điểm cơ bản xuống còn 3,5% trong một động thái được kỳ vọng từ trước, tiếp nối 1 đợt cắt giảm tương tự vào tháng 6 vừa qua. Động thái này được ECB đưa ra trong bối cảnh lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trong tầm với mục tiêu 2% và nền kinh tế khu vực đang tránh khỏi suy thoái.

Với đợt cắt giảm lần này, sự chú ý của các nhà đầu tư đã chuyển sang xem ECB sẽ có những hành động gì tiếp theo. Tuy nhiên, cơ quan tiền tệ châu Âu không đưa ra thông tin gì mới mẻ và họ vẫn giữ nguyên quan điểm của mình rằng các quyết định sẽ được đưa ra sau mỗi cuộc họp chính sách, không có cam kết trước về bất kỳ lộ trình lãi suất cụ thể nào.

"Hội đồng thống đốc sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận dựa trên dữ liệu và từng cuộc họp để xác định mức độ và thời hạn hạn chế phù hợp", ECB nêu trong tuyên bố ngày 12/9. Cơ quan này cũng khẳng định: "Hội đồng quản trị không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể nào".

Các nhà kinh tế cho rằng Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ tập trung nhiều nhất vào mở cánh cửa cho một đợt cắt giảm lãi suất khác vào tháng tới.

"Lạm phát ở khu vực vẫn ở mức cao vì tiền lương vẫn tăng với tốc độ cao", ECB đánh giá. Cơ quan tiền tệ này cho rằng: "Tuy nhiên, áp lực chi phí lao động đang giảm bớt và lợi nhuận đang phần nào bù đắp tác động của mức lương cao hơn đối với lạm phát".

Các nhà hoạch định chính sách ôn hòa hơn của ECB, chủ yếu đến từ phía nam khu vực Eurozone, đã lập luận rằng rủi ro suy thoái đang gia tăng và lãi suất cao của ECB đang hạn chế tăng trưởng nhiều hơn mức cần thiết, làm tăng nguy cơ lạm phát dẫn đến nguy cơ không đạt mục tiêu.

Tuy nhiên, các quan chức tiền tệ có quan điểm “diều hâu” lại cảnh giác với lạm phát cho biết thị trường lao động khu vực vẫn còn quá nóng để ECB có thể ngồi yên và áp lực lạm phát tiềm ẩn, bằng chứng là chi phí dịch vụ có thể làm tăng nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

Các dự báo hàng quý từ đội ngũ quan chức ECB cho thấy tăng trưởng Eurozone trong năm nay sẽ thấp hơn một chút so với dự báo hồi tháng 6 trong khi lạm phát vẫn chỉ có thể trở lại mục tiêu vào nửa cuối năm sau.

Điều đó có nghĩa là rất ít nhà hoạch định chính sách ECB có thể phản đối việc nới lỏng tiền tệ thêm. Sự chia rẽ căn bản trong các quan chức ECB là cơ quan này sẽ hành động nhanh chóng ra sao.

Các nhà hoạch định chính sách diều hâu trong ECB đã khẳng định rằng họ coi việc cắt giảm lãi suất hàng quý là phù hợp, vì các chỉ số tăng trưởng và tiền lương chính - thông tin tham khảo quan trọng cho các dự báo của ECB - được công bố ba tháng một lần.

Với động thái cắt giảm lãi suất cơ bản ngày 12/9, lãi suất tiền gửi của ECB sẽ giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 3,5%. Tuy nhiên, lãi suất tái cấp vốn đã bị cắt giảm nhiều hơn 60 điểm cơ bản xuống còn 3,65%.

Hiện tại, các ngân hàng đang nắm giữ 3.000 tỷ EUR thanh khoản dư thừa mà họ gửi qua đêm tại ECB, khiến lãi suất tiền gửi trên thực tế trở thành công cụ chính sách chính của họ. Theo thời gian, thanh khoản này sẽ giảm dần, thúc đẩy các ngân hàng vay lại từ ECB theo lãi suất tái cấp vốn, thường là lãi suất tham chiếu của ECB.

Biểu đồ lãi suất thế giới sẽ phân tách sau đợt cắt giảm đầu tiên của ECB
Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể mở đường để đồng euro trượt giá vào ngày 6/6 khi họ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong chu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư