Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EU, Anh, Canada, Mỹ quyết loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT
Lê Quân - 27/02/2022 17:51
 
Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada vừa nhất trí sẽ loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống kết nối liên ngân hàng SWIFT.
Người biểu tình tại Rome (Italia) kêu gọi loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT nhằm phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ảnh: AFP
Người biểu tình tại Rome (Italia) kêu gọi loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT nhằm phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ảnh: AFP

Bước đi bất thường này nhằm tách nước Nga ra khỏi phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu. "Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu", Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada nêu trong tuyên bố chung về biện pháp trả đũa Nga hôm 26/2.

Việc Moscow bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đồng nghĩa các ngân hàng Nga sẽ không thể liên kết an toàn với các ngân hàng bên ngoài biên giới Nga. Trước Nga, Iran cũng bị loại khỏi SWIFT vào năm 2014 sau những nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân của Tehran.

SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Bất kỳ quyết định nào về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc tổ chức cá nhân chỉ thuộc về các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp hiện hành", SWIFT nêu trong một tuyên bố. Hiệp hội này nhấn mạnh: "Được hợp nhất theo luật của Bỉ, nghĩa vụ của chúng tôi là tuân thủ các quy định liên quan của EU và Bỉ".

Sau động thái trên của Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã bày tỏ trên Twitter rằng: "Đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ thực sự của các bạn trong thời điểm đen tối này. Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên điều này! Hãy tiếp tục duy trì điều đó! Chúng tôi đang ở trên mảnh đất của mình".

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cũng thông báo rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế của mình theo những cách có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt.

Về vấn đề này, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho rằng: "Khoản dự trữ ngoại hối của Nga trị giá 600 tỷ USD chỉ có giá trị nếu ông Putin có thể sử dụng chúng". Quan chức giấu tên này chia sẻ quan điểm của Washington rằng, Moscow sẽ ngay lập tức lãnh tác động của các lệnh trừng phạt.

"Bạn sẽ ngay lập tức thấy một hiệu ứng ớn lạnh đối với lĩnh vực ngân hàng Nga thậm chí còn vượt xa những gì đã từng xảy ra", vị quan chức Mỹ nhận định. Vị này cho biết thêm: "Hiện chúng tôi đã nhắm mục tiêu vào tất cả 10 tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, nắm giữ gần 80% tổng tài sản của ngành ngân hàng Nga".

Về khả năng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho Nga trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu áp lệnh trừng phạt, quan chức Mỹ cho rằng: "Trung Quốc sẽ không đến giải cứu." Theo lý giải của vị này, Trung Quốc thực sự đang hạn chế một số ngân hàng của họ cung cấp tín dụng để tạo điều kiện mua các mặt hàng năng lượng từ Nga. "Điều này cho thấy, giống như những gì xảy ra trong nhiều năm qua, Trung Quốc có xu hướng tôn trọng các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Vương quốc Anh, Canada, và Mỹ cũng đã lên kế hoạch hạn chế việc cấp cái gọi là "hộ chiếu vàng". Quan chức Mỹ đánh giá việc cấp "hộ chiếu vàng" là một lỗ hổng giúp những nhân vật giàu có của Nga kết nối với Điện Kremlin để trở thành công dân ở các quốc gia khác và tiếp cận các hệ thống tài chính nhất định.

"Chúng tôi sẽ săn lùng du thuyền, căn hộ sang trọng, tiền bạc và khả năng đưa con cái của họ đến các trường học sang trọng ở phương Tây", vị quan chức Mỹ cho biết.

Một ngày trước khi quyết định loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, Mỹ cùng Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu hôm 25/2 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Nhiều tuần trước khi Nga kích hoạt cuộc tấn công Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga với hy vọng ngăn cản Tổng thống Putin tiếp tục gây hấn với Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Tàu hàng Nga bị chặn ở Eo biển Manche
Pháp hôm 26/2 thông báo rằng họ đã chặn một tàu hàng Nga ở Eo biển Manche theo lệnh trừng phạt mới của EU đối với Moscow.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư