Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
EU chi gần 3,1 tỷ USD mua hàng dệt may từ các nhà cung ứng Việt Nam
Thế Hoàng - 04/11/2024 09:53
 
27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã chi gần 3,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng dệt may từ các nhà cung ứng Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
 9 tháng năm 2024, EU chi gần 3,1 tỷ USD mua hàng dệt may từ các nhà cung ứng Việt Nam.
9 tháng năm 2024, EU chi gần 3,1 tỷ USD mua hàng dệt may từ các nhà cung ứng Việt Nam.

Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường 27 nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) phục hồi thấy rõ sau năm 2023 tăng trưởng âm.

Năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, chỉ đạt 3,84 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2022.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024 xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt trên 323 triệu USD, tăng 32,52% so với tháng 9/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu hàng dệt may sang EU tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3,08 tỷ USD.

Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU năm 2023, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan

Trong đó, Hà Lan và Đức là 2 thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, riêng 2 thị trường nay đã chiếm 46,45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang khối EU.

Cụ thể, xuất khẩu sang Hà Lan đứng đầu, đạt gần 880 triệu USD, tăng 24,85% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Xuất khẩu sang thị trường Đức đạt gần 562,48 triệu USD, giảm 10,96% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 18,11%.

9 tháng qua, có 6 thị trường lớn tại EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD; ngoài 2 thị trường chủ đạo là Hà Lan và Đức, còn có Tây Ban Nha đạt 455 triệu USD, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 14,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU; Pháp đạt gần 355 triệu USD, tăng 11,31%, Italia đạt gần 251,15 triệu USD, tăng 11,58%, chiếm 8,09%.

Một số thị trường tuy kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng so với cùng kỳ năm 2023 thì tăng trưởng mạnh như: Séc tăng mạnh 50,69%, đạt gần 21,31 triệu USD; Slovakia tăng 112,12%, đạt trên 4,06 triệu USD; Rumani tăng 55,88%, đạt gần 5,24 triệu USD.

Kinh tế EU bắt đầu hồi phục, sức mua được cải thiện đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong đó có hàng dệt may của Việt Nam.

9 tháng 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU27 một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm nay xấp xỉ 50 tỷ USD.

Những tháng cuối năm, cùng với các ngành hàng tiêu dùng khác, dệt may tiếp tục có cơ hội tăng trưởng tốt hơn nhờ nhu cầu gia tăng dịp lễ hội.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành dệt may, chỉ sau Hoa Kỳ. Theo số liệu của EU, năm ngoái, EU nhập khẩu 115 tỷ Euro từ các nước thứ ba, giảm 17% so với năm 2022, trong đó 10 nhà cung cấp hàng đầu chiếm tới 82% (95 tỷ Euro).

Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nhà xuất khẩu hàng đầu sang EU, chiếm 69,1% thị phần, tiếp theo là Bangladesh ở mức 15,3% và Thổ Nhĩ Kỳ ở mức 12,8%. Việt Nam đứng thứ 6, đạt hơn 4,1 tỷ Euro, chiếm 4,3%  thị phần.

Hàng dệt may sang EU đang có những lợi thế hơn nhiều quốc gia xuất khẩu khác nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã bước sang năm thứ 5 thực thi.

Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, từ khi EVFTA có hiệu lực, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu dệt may của EU từ ngoài khối đã tăng từ 3,3% (năm 2020) lên 4,3% (năm 2023).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư