Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Eurozone suy giảm tăng trưởng, lạm phát tăng kỷ lục làm dấy lên "bóng ma" đình trệ
T.T - 30/04/2022 13:20
 
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro (Eurozone) chỉ tăng 0,2% trong 3 tháng đầu năm 2022, so với mức tăng 0,3% vào quý trước.
Các cửa hàng ở Oxford, London (Anh) ngừng hoạt động trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Các cửa hàng ở Oxford, London (Anh) ngừng hoạt động trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suy yếu trong quý I/2022 khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục mới vào tháng 4, làm dấy lên "bóng ma" đình trệ tại khu vực do bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn báo cáo của Eurostat ngày 29/4 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro tăng 0,2% trong 3 tháng đầu năm 2022, so với mức tăng 0,3% vào quý trước.

Giá tiêu dùng tăng vọt, các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khu vực trong 3 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, nền kinh tế Pháp trì trệ trong quý I so với mức tăng trưởng 0,8% vào quý trước đó, trong khi kinh tế Italy giảm 0,2%. Tây Ban Nha tăng trưởng chậm lại ở mức 0,3% so với mức tăng 2,2% vào giữa quý 3 và quý 4 năm ngoái. Đức là nước duy nhất trong 4 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đạt được kỳ vọng khi đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% so với 3 tháng trước.

Số liệu của Eurostat cũng cho thấy lạm phát tại khu vực đồng euro tiếp tục tăng nhẹ, đạt 7,5% tính đến tháng 4, so với mức kỷ lục 7,4% vào tháng trước. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và nhiên liệu) tăng từ 2,9% lên 3,5%. Giá năng lượng tăng 38%, trong khi giá thực phẩm chưa chế biến tăng 9,2%.

Dữ liệu cho thấy áp lực giá tiếp tục gia tăng trong khu vực đồng euro, khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bert Colijn, nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính đa quốc gia ING, nhận định ECB có thể tăng lãi suất vào tháng 7 nếu triển vọng kinh tế không xấu đi.

Các nhà kinh tế lo ngại sự leo thang các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva gây nguy cơ thiếu hụt dầu mỏ và khí đốt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp và đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa, làm giảm thu nhập hộ gia đình, đồng thời làm mất niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nga hiện đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng làm mờ đi triển vọng kinh tế của châu Âu. Nhà kinh tế Andrew Kenningham tại Capital Economics dự báo GDP khu vực đồng euro có thể sẽ giảm trong quý II/2022 do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và giá năng lượng tăng cao gây ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình và niềm tin tiêu dùng, cũng như làm trầm trọng thêm các vấn đề nguồn cung.

Mức tăng trưởng 0,2% của khu vực eurozone trong quý I/2022 mặc dù cao hơn mức giảm 0,4% của nền kinh tế Mỹ, song tụt hậu so với mức tăng 1,3% của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

ECB chần chừ nâng lãi suất dù Eurozone đối mặt với lạm phát đình trệ
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn chưa tiết lộ thời điểm nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng mức kỷ lục.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư