Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EVFTA - con đường nâng tầm nông sản Việt
Thế Hoàng - 20/09/2020 16:26
 
Ngoài gạo, tôm, cà phê…, một số sản phẩm rau quả chế biến sâu như nước chanh leo cô đặc của Việt Nam đã được thị trường EU đón nhận.
EVFTA đang tạo nhiều cơ hội cho nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Hồng Ngọc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T
EVFTA đang tạo nhiều cơ hội cho nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Hồng Ngọc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T

Chanh leo đi tàu biển sang EU

Sở hữu công nghệ bảo quản đạt chuẩn, có nhà máy chế biến theo công nghệ mới nhất, nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng ngay cơ hội xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang EU với thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ngày 16/9, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tại huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã xuất khẩu 100 tấn sản phẩm chanh leo cô đặc sang châu Âu theo đường biển. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu nhiều loại nông sản tươi lẫn hàng qua chế biến đi nhiều thị trường lớn, trong đó có EU, nhưng lô hàng 100 tấn chanh leo cô đặc này có dấu ấn khá đặc biệt, bởi được hưởng thuế suất 0%, thay vì mức 8% như thời điểm chưa có EVFTA.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao cho biết: “Chúng tôi có các đối tác lớn, lâu năm tại Hà Lan, Đức, Pháp, Ba Lan… và đang xây dựng thêm nhiều mối quan hệ hợp tác bền chặt với các công ty nhập khẩu từ các quốc gia khác thuộc EU để tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ EVFTA”.

Chanh leo đang là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Doveco. Ngoài chanh leo, Doveco còn có nhiều sản phẩm thế mạnh đã xuất nhiều đi EU như dứa đông lạnh IQF, dứa hộp, dứa cô đặc, nước dứa NFC, vải thiều cấp đông.

Dự kiến, khoảng 20 ngày tới, lô hàng trên sẽ có mặt tại châu Âu. Tinh chất chanh leo cô đặc này sẽ được đưa vào các nhà máy sản xuất nước ngọt đóng chai, làm siro hay làm nguyên liệu trong các nhà máy bánh kẹo tại Hà Lan, Đức, Pháp và một số quốc gia EU khác.

“Việt Nam cần tái cơ cấu, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và đảm bảo liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân để hình thành quy trình khép kín. Từ đó, đáp ứng được các yêu cầu và tận dụng tốt thị trường EU và nhiều thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngoài trái cây tươi, rau củ đã qua chế biến, gạo cũng đang được xem là mặt hàng nhiều tiềm năng chinh phục thị trường EU. Lô hàng gạo thơm xuất đi EU của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất sang EU tháng trước là ví dụ. Thay vì thuế suất 4 - 45% trước đây, lô gạo của Trung An xuất đi châu Âu được hưởng thuế suất 0%.

Trong khi đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) đã có đơn hàng xuất khẩu cà phê đi EU trong tháng 9 này và đây cũng là lô hàng đầu tiên hưởng thuế 0% theo EVFTA. Đợt này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với 296 tấn sang Bỉ và Đức.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, để vào được thị trường EU với thuế suất 0%, sản phẩm cà phê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.

Với EVFTA, toàn bộ sản phẩm cà phê, bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU.

Con đường nâng tầm nông sản Việt

Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều lô hàng nông sản từ tôm thẻ chân trắng, gạo thơm, cà phê, trái cây… liên tiếp được xuất đi EU. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thực tế chứng minh, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp đã đón bắt được thời cơ, tận dụng được ưu đãi thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU trong tháng 8 tăng 17% so với tháng trước đó. Trong đó, cà phê xuất khẩu sang EU đạt gần 76 triệu USD, tăng gần 35% so với tháng 7.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tế từ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu lớn đi EU như Doveco, Trung An, Vĩnh Hiệp hay Vina T&T cho thấy, nếu tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, kiểm soát được từng mắt xích trong chuỗi, thì nông sản không lo thiếu thị trường.

Minh chứng cho việc ngành nông nghiệp Việt đã đi đúng hướng, “tư lệnh” ngành nông nghiệp cho hay, sắp tới sẽ có 10 - 12 dự án lớn được khánh thành và khởi công. Trong đó, tập trung nhiều vào mảng yếu nhất hiện nay là chế biến nông sản.

Trong đó, tháng 10/2020 sẽ khánh thành một nhà máy chế biến thủy sản để thúc đẩy ngành thủy sản nhanh hơn. Đây là một chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam, với tinh thần hai bên cùng có lợi trong thực hiện EVFTA. Tiếp đó là việc khánh thành nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu có công suất lớn nhất tại Bình Phước....

Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên: Khát vọng đưa nông sản Việt chinh phục thế giới
Khởi nghiệp thành công ở… nước ngoài, ông Nguyễn Lâm Viên không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm thành công nhằm lan tỏa nhiệt huyết kinh doanh và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư