Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EVFTA đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU
Mạnh Bôn - 20/05/2020 15:53
 
EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả 2 bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tác động toàn diện đến Việt Nam

EVFTA điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm, thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế.

“Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định củaTổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên”, bà Thịnh nhấn mạnh.

EVFTA tác động toàn diện tới Việt Nam, từ chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại; kinh tế; pháp luật, thể chế đến lao động, việc làm, an sinh, xã hội.

Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, theo Tờ trình của Chủ tịch nước, ở  góc độ song phương, EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả 2 bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay.

Ở góc độ đa phương, với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU - ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU.

“Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”, bà Thịnh nhấn mạnh.

 EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000việc làm/năm

Về kinh tế, lao động và việc làm,  theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi, Hiệp định có thể mang lại một số thách thức nhất định. Cụ thể, việc cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Mặt khác, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Ngoài ra, EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững vv... để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ cũng đã và đang triển khai hết sức chủ động, khẩn trương. 

EVFTA có hiệu lực, dệt may vẫn gặp khó về quy tắc xuất xứ
Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam do thực trạng ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư