Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 11 tháng 11 năm 2024,
EVN đề nghị được giao đầu tư thêm dự án nguồn điện mới
Thanh Hương - 23/10/2024 09:00
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.793 MW. Ngoài ra, EVN đề nghị được giao đầu tư thêm một số nguồn điện mới.

Dự án không nhiều

Trong số các dự án đang thi công của EVN sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, thì Dự án Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW) sẽ về đích sớm nhất.

Cụ thể, vào tháng 11/2024, dự án này sẽ phát điện Tổ máy 1 và tháng 12/2024 sẽ phát điện Tổ máy 2.

Tại Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW), công việc thi công cũng đang bám sát tiến độ để phát điện 2 tổ máy vào năm 2025. Với Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I (1.200 MW), hiện tại, tiến độ tổng thể đạt khoảng 72%, EVN phấn đấu hòa lưới Tổ máy 1 vào tháng 8/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành phát điện thương mại cả 2 tổ máy trong năm 2026.

Không chỉ ít dự án đang đầu tư, ở khối dự án chuẩn bị đầu tư cũng không có nhiều.

Hiện tai, EVN khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, thu xếp vốn để phấn đấu khởi công Dự án Thủy điện Trị An mở rộng (200 MW), Thủy điện tích năng Bác Ái (1.200 MW) vào cuối năm 2024.

Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch II (1.500 MW) đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và đang triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, với mục tiêu khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2029 - 2030. EVN và PVN đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cấp khí LNG cho dự án này.

Đối với các dự án nhiệt điện khí Dung Quất I và III sử dụng nguồn khí Cá Voi Xanh, EVN đã hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị dự án, nhưng tới nay vẫn chưa xác định được tiến độ nguồn khí.

Với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3, EVN đã hoàn thành các hạng mục xây dựng và lắp đặt tấm pin, dự kiến đóng điện vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, hai dự án này chưa được cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. EVN đang bám sát giải trình Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về tình hình khắc phục các tồn tại, hạn chế theo Kết luận thanh tra để kiến nghị Bộ Công thương bổ sung, cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, EVN cũng đang phối hợp với các địa phương nghiên cứu và báo cáo cấp thẩm quyền để triển khai các dự án Thủy điện Tuyên Quang mở rộng (120 MW), Thủy điện Sê San 3 mở rộng (130 MW), Thủy điện Sê San 4 mở rộng (120 MW) và Thủy điện Sơn La mở rộng (400 MW).

Đồng thời, EVN đề xuất được làm Dự án Điện gió ngoài khơi khu vực Bắc bộ với quy mô khoảng 810 - 1.000 MW và Nhà máy Điện linh hoạt 300 MW tại Ninh Bình.

Thách thức vai trò chính đảm bảo cấp điện

EVN cho hay, hiện tại, Tập đoàn được giao nhiệm vụ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân dân.

Tính đến nay, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN chiếm 38% (31.360 MW) trong tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống.

Theo Quy hoạch Điện VIII, với các nguồn điện EVN được giao làm chủ đầu tư (10 dự án/6.793 MW), đến năm 2030, tỷ lệ sở hữu các nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên chỉ còn chiếm khoảng 25,4% tổng công suất nguồn của hệ thống điện, trong đó EVN quản lý trực tiếp chiếm khoảng 13,4%.

Bởi vậy, chính EVN cũng rất lo lắng rằng, nếu không tiếp tục được Chính phủ giao triển khai thêm các nguồn điện mới, thì EVN rất khó có thể phát huy vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện.

Bên cạnh đó, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đến nay đạt khoảng 80.900 MW, song do cơ cấu nguồn điện phân bố không đồng đều, nên khu vực miền Bắc hiện không tự cân đối cung - cầu nội miền. EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3, nhưng năng lực truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc cũng chỉ tăng thêm khoảng 3.000 MW. Như vậy, chỉ có thể cơ bản đáp ứng được mức độ tăng trưởng phụ tải của miền Bắc trong 1 - 2 năm. Đó là chưa kể, khu vực miền Trung cũng phải có dư thừa điện để chuyển ra thì đường dây mới phát huy được hiệu quả.

Do đó, theo lãnh đạo EVN, việc cung ứng điện trong các năm tới là hết sức khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt công suất đỉnh vào thời điểm cuối mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm) và có nguy cơ thiếu hụt điện năng nếu các nguồn điện được phê duyệt tại Quy hoạch Điện VIII không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Năm 2023: Sản xuất kinh doanh điện khiến EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN là 528.604,24 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư