Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
EVN lỗ nặng vì mua cao, bán thấp
Thanh Hương - 14/10/2024 07:41
 
Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là hơn 2.088,90 đồng/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.953,57 đồng/kWh, khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận khoản lỗ 34.244,96 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh điện thuần túy.
TIN LIÊN QUAN
EVN đang thua lỗ lớn vì mua điện giá cao, trong khi bán cho người tiêu dùng giá thấp.  Ảnh: Huy Hùng

Dây dưa nợ vòng quanh hàng ngàn tỷ đồng

Trong báo cáo bán niên 2024 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) có nhắc tới khoản phải thu ngắn hạn từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN ở thời điểm ngày 30/6/2024 là 11.224 tỷ đồng. Trước đó, số phải thu ngắn hạn từ đối tác này ở đầu kỳ, ngày 1/1/2024, được thống kê là 9.634 tỷ đồng.

Đáng nói là, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 của PV Power được ghi nhận là 12.698 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, PV Power cũng sản xuất được 8,574 tỷ kWh.

Còn báo cáo bán niên 2024 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), khoản phải thu của PV Power được ghi nhận là 3.674 tỷ đồng. Ở thời điểm ngày 1/1/2024, khoản nợ này là 2.440 tỷ đồng.

Ngoài PV Power, PV GAS còn có một khách hàng khác nợ tiền mua khí với tỷ lệ trên 10% tổng dư nợ được liệt kê là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ. Đây là một thành viên của Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco3) - đơn vị có nhiệm vụ sản xuất điện và bán cho EVN.

Với chuỗi sản xuất điện khí mà người bán nhiên liệu khí là PV GAS và bên mua là PV Power hay Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ/EVN Genco 3 để sản xuất điện, rồi sau đó bán cho EVN, thì việc nợ lẫn nhau với những con số hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí trên 10.000 tỷ đồng cũng cho thấy hệ quả của việc EVN lỗ lớn trong 2 năm trở lại đây từ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện thuần túy.

Trong báo cáo bán niên năm 2024 của EVN Genco3 - nơi mà EVN đang nằm giữ 99,19% cổ phiếu đã phát hành, khoản phải thu ngắn hạn của Công ty mua bán điện - mà thực ra là của EVN, vào thời điểm 30/6/2024 cũng không hề nhỏ, với 10.252 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 1/1/2024, khoản phải thu này là 8.812 tỷ đồng.

Như vậy, ngay chính “con” của mình cũng không thể khiến EVN nhẹ tay hơn. Lý giải cho thực trạng này chính là việc giá bán điện của EVN cho nền kinh tế theo quy định của các cơ quan nhà nước thấp hơn giá điện mà các nhà sản xuất điện bán cho EVN.

Mua cao, bán thấp, EVN lỗ lớn

Ngày 10/10/2024, Bộ Công thương phát đi một thông báo ngắn gọn về kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN.

Theo kết quả kiểm tra liên ngành, tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN là 528.604,24 tỷ đồng, trong khi đó, doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2023, mua bán điện thuần túy khiến EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do có một số nguồn thu khác cũng trong sản xuất, kinh doanh điện là 12.423,4 tỷ đồng, nên xét chung cả năm 2023, EVN lỗ là 21.821,56 tỷ đồng.

Căn cứ số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Căn cứ văn bản số 874/BCT-ĐTĐL ngày 11/10/2024 của Bộ Công thương; để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11/10/2024. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Trước đó, năm 2022, Đoàn kiểm tra cũng xác nhận, mua bán điện thuần túy khiến EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Sau khi trừ thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng, thì chung cuộc EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Như vậy, trong 2 năm 2022-2023, với hoạt động mua bán điện thuần túy, EVN lỗ 70.539,11 tỷ đồng. Hoặc nếu tính được trừ đi các khoản thu nhập khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện, thì con số lỗ này tuy có giảm, nhưng vẫn là hơn 48.000 tỷ đồng.

Kết quả lỗ nói trên còn chưa tính 18.032,07 tỷ đồng là chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện từ năm 2019 đến 2023.

Hàng năm, EVN có doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng số lỗ trong năm 2022-2023 đã lên tới 70.000 tỷ đồng với hoạt động mua bán điện thuần túy, hoặc ít thì cũng gần 50.000 tỷ đồng (theo cách giảm trừ một số thu nhập khác liên quan đến sản xuất điện), mà còn chưa kể 18.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá.

Tại Tọa đàm “Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp” diễn ra sau khi Bộ Công thương công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN năm 2023, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho hay, với chi phí sản xuất, kinh doanh điện được công bố, giá thành sản xuất, kinh doanh điện là hơn 2.088,9 đồng/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.953,57 đồng/kWh. 

“Các con số trên cho thấy giá thành đang cao hơn giá bán 6,92%, có tình trạng mua cao bán thấp. Đầu vào theo thị trường, nhưng đầu ra lại không tính đúng, tính đủ trong sản xuất, kinh doanh điện, sẽ gây nhiều hệ lụy và bất cập cho sản xuất, kinh doanh điện, cho cả nền kinh tế”, ông Thỏa đánh giá. 

Việc giá thành sản xuất điện tăng cao, trong khi giá bán ra không tương ứng cũng được chuyên gia Hà Đăng Sơn thẳng thắn cho rằng, nếu vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá bán điện hiện nay, trợ giá và bù lỗ thì EVN không đủ nguồn lực cho đầu tư, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để thiếu điện.

“Nếu không tiếp tục cải cách giá bán điện thì EVN sẽ lỗ, uy tín tài chính của EVN sẽ bị đánh giá thấp và không thể vay vốn. Mức giá điện không thể thu hút được các nhà đầu tư tư nhân. Nếu duy trì giá điện hiện nay sẽ là cực kỳ nguy hiểm trong trung hạn, dài hạn và đảm bảo phát triển kinh tế”, ông Sơn nói. 

Chia sẻ thực trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, chênh lệch giá bán và giá thành càng lớn thì khoản lỗ càng lớn. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy tác động đến các nhà sản xuất điện, tác động đến đầu tư ngành điện và ảnh hưởng an ninh ngành điện. Cùng với đó sẽ ảnh hưởng mục tiêu tiêu dùng điện tiết kiệm và chuyển đổi sản xuất bền vững. 

“Chúng ta đang đặt quá nhiều mục tiêu, đặc biệt là hài hòa hóa lợi ích các bên là khó có thể làm được. Vì vậy, cần tách bạch chính sách từng đối tượng để vừa phù hợp lợi ích các bên và đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Hiếu nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư