Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
EVN: Năm 2019, sản xuất điện đội chi phí thêm 5.500 tỷ đồng do than tăng giá
Thanh Hương - 13/02/2019 11:22
 
Theo tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá than chung đã được điều chỉnh tăng từ ngày 4/1/2019 của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (Vinacomin), ngày 3/1/2019 của Tổng công ty Đông Bắc và giá than trộn từ giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước của hai đơn vị được công bố sau đó, chi phí sản xuất điện từ than sẽ đội thêm khoảng 5.500 tỷ đồng trong năm 2019.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2019, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN đã cho hay, theo tính toán khi giá than được điều chỉnh ngay đầu năm 2019 như đề xuất của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc sẽ khiến chi phí sản xuất điện năm 2019 tăng thêm 5.000 tỷ đồng.

Nguồn tin từ EVN cũng cho biết, sau khi giá than bán cho điện tăng lại xuất hiện vấn đề than trộn. Theo đó, dự kiến lượng than cung cấp năm 2019 là 25,84 triệu tấn, trong đó khối lượng than trong nước là 19 triệu tấn, khối lượng than trộn là 6,84 triệu tấn. 

Nguyên nhân chính phải sử dụng than trộn cho các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN là do Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp đủ chủng loại than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện.

Do đó, Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu than từ một số nguồn như Nga để pha trộn với than trong nước, nhằm cho ra than trộn với chỉ tiêu chất lượng tương đương theo TCVN 8910:2018 cấp cho các nhà máy điện của EVN và các đơn vị thành viên. 

Giá than trộn theo đề xuất của TKV và TCT Đông Bắc cao hơn từ 188-273 nghìn đồng/tấn, tương đương 11,18-15,06% tuỳ loại.

Theo tính toán sơ bộ, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của Vinacomin, Tổng công ty Đông Bắc thì chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498,06 tỷ đồng, trong đó đối với than trộn mua từ Vinacomin tăng 1.062,89 tỷ đồng, than trộn mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435,17 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung cả giá than thông thường đã tăng ngay từ những ngày đầu năm 2019 và giá than trộn cũng cao lên do phải nhập khẩu đã dẫn tới chi phí mua than cho sản xuất điện tăng thêm tổng cộng là 5.500 tỷ đồng trong năm 2019.  

Trên cơ sở tình hình sản xuất điện, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện năm 2019, EVN cũng đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép EVN và các đơn vị thành viên được sử dụng các loại than pha trộn giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước do Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện với khối lượng và các mức giá hai đơn vị này đã đề xuất.

Đồng thời, cho phép tính toán giá than trộn là chi phí hợp lý, hợp lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.

EVN cũng kiến nghị cho phép các nhà máy điện được điều chỉnh giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện và tham gia thị trường điện do sử dụng than trộn và được tính toán cập nhật vào giá điện bình quân trong năm 2019.

Nguồn tin từ EVN cũng cho hay, trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, các cơ quan hữu trách đã có kế hoạch tổ chức họp giữa các bên, nhằm xác định công thức tính toán sự liên quan khi giá than nhập khẩu để phối trộn bị phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới, dẫn tới biến động tới giá đầu vào cho sản xuất điện của các nhà máy điện dùng than trộn.

Hồi cuối năm 2018, vấn đề cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện từng gây “nóng” dư luận sau khi Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh tuyên bố tạm dừng 2 trong 4 tổ máy do nguyên nhân thiếu than. 

Đầu tư nhiệt điện than: Bài toán công nghệ và giá điện
Trước thực tế nhiệt điện than vẫn phải đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng của đất nước, ông Phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư