Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
EVN ngóng vốn Nhật Bản
Hoàng Nam - 04/09/2013 12:54
 
Đã có 12 dự án của ngành điện sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay tín dụng từ Nhật Bản, với quy mô trên 5 tỷ USD. Bitexco cùng đối tác Nhật nâng đời Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất các dự án nguồn điện do Nhật Bản tài trợ từ nguồn vốn ODA và tín dụng xuất khẩu hiện chiếm gần 18% công suất nguồn điện do EVN vận hành và xấp xỉ 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện Việt Nam.

Đã có 12 dự án của ngành điện sử dụng nguồn vốn ODA và vay tín dụng từ Nhật Bản, với quy mô trên 5 tỷ USD

Trong tổng giá trị vay ODA lũy kế của EVN đến nay (khoảng 11 tỷ USD), phần hỗ trợ đến từ Nhật Bản chiếm tỷ trọng không nhỏ, tới 46%.

Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh cho biết, Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng của EVN. Sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản qua nguồn vốn ODA và tín dụng xuất khẩu luôn đứng đầu danh mục các nhà tài trợ cho dự án điện của EVN, với tổng số tiền lên tới 460 tỷ yên (tương đương 5,34 tỷ USD).

Không chỉ là đối tác quan trọng về tìm kiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển, các dự án điện sử dụng công nghệ, thiết bị và máy móc do đối tác Nhật Bản cung cấp cũng được ngành điện Việt Nam chào đón, bởi tính ổn định và hiệu suất cao trong thời gian dài.

Đơn cử, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận với quy mô công suất 160 MW, gồm 4 tổ máy. Đi vào hoạt động từ năm 1962, cho tới nay, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với công nghệ và thiết bị do các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp vẫn là nhà máy có điều kiện thủy văn và hiệu suất phát điện hàng đầu trong các nhà máy thủy điện tại ngành điện.

Vào năm 2005, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cũng đã được tiến hành đại tu lớn, với số tiền hơn 620 tỷ đồng và sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Không dừng ở đó, dự kiến vào tháng 10/2013, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, nâng công suất thêm 80 MW, sẽ được bắt đầu thực hiện với kế hoạch cuối năm 2016 đưa vào hoạt động. Có quy mô lên tới 1.950 tỷ đồng, Dự án mở rộng này cũng đã nhận được cam kết từ phía đối tác Nhật Bản với mức cho vay lên tới 85%.

Theo đánh giá của EVN, các dự án điện của EVN sử dụng nguồn vốn ODA và tín dụng từ Nhật Bản đã vận hành đều đảm bảo được tính hiệu quả về kinh tế, góp phần kịp thời khắc phục tình trạng thiếu điện tại Việt Nam trong những năm vừa qua.

Nối tiếp quan hệ tốt đẹp này, tháng 10/2011, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác xây dựng Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại Việt Nam đã được ký kết bởi đại diện lãnh đạo hai Chính phủ. Hiện EVN và các đối tác phía Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị các công việc, để triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 với công nghệ hiện đại nhất đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Hiện EVN đang kỳ vọng vào nguồn vốn ODA cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi khác từ Nhật Bản, với tổng giá trị các khoản vay khoảng 150 tỷ yên trong giai đoạn 2013 - 2015. Khoản tiền này nhằm triển khai Dự án Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, các dự án truyền tải đấu nối giữa các trung tâm điện lực khu vực miền Nam vào hệ thống điện quốc gia, cũng như đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phục vụ Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngoài ra, EVN cũng tìm kiếm cơ hội hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) trong nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho các dự án điện của EVN.

”Với vị thế của một quốc gia có trình độ phát triển công nghiệp đứng hàng đầu thế giới như Nhật Bản, chúng tôi mong đợi các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác tại Việt Nam và với EVN trong chuyển giao các công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả”, ông Phạm Lê Thanh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư