Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Eximbank lên tiếng về việc bà Đỗ Hà Phương bị miễn nhiễm chức Chủ tịch
Thùy Vinh - 01/07/2023 11:17
 
Trước thông tin tân Chủ tịch HĐQT bà Đỗ Hà Phương bị cổ đông đòi miễn nhiễm chỉ sau hai ngày ngồi vào ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT Eximbank, nhà băng này đã lên tiếng giải thích.

Theo Eximbank, ngày 30/6/2023, trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội có đăng tải nhiều thông tin khác nhau về bà Đỗ Hà Phương, Chủ tịch HĐQT Eximbank vừa được bầu ngày 28/6/2023 theo Nghị quyết số 216/2023/EIB/NQ-HĐQT.

Các thông tin trên gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của Ngân hàng, do đó, để rộng đường thông tin, Eximbank cung cấp thông tin như sau.

Thứ nhất, tính đến thời điểm 13:08 phút ngày 30/6/2023, khi một số thông tin đưa ra cho rằng “Vừa nhậm chức, tân Chủ tịch Eximbank đã bị nhóm cổ đông đòi miễn nhiệm” thì phía Eximbank chưa nhận được đơn của ông Trần Hoàng Ninh về việc chấm dứt các ủy quyền, đề cử và đề nghị rút bà Đỗ Hà Phương ra khỏi Hội đồng Quản trị như các thông tin báo nêu. 

Thứ hai, qua tra soát thông tin, chúng tôi nhận thấy: Danh sách nhóm cổ đông đề cử bà Đỗ Hà Phương vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) không có tên ông Trần Hoàng Ninh như một số thông tin đưa ra.

Bên cạnh đó, Eximbank khẳng định trình tự thủ tục tổ chức họp HĐQT liên quan đến việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và bầu bà Đỗ Hà Phương đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) đã tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ Eximbank và các quy định nội bộ của Eximbank. 

Đối mặt với những thách thức chung của ngành ngân hàng cũng như các vấn đề nội tại của Eximbank buộc Ngân hàng phải tiến hành các hoạt động cải cách minh bạch, hướng đến các thay đổi mạnh mẽ với tư duy mới, phương pháp quản trị mới nhằm đưa Eximbank trở lại Top các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện nay, HĐQT và Ban điều hành Eximbank đang nỗ lực để đưa ra các giải pháp triệt để trong công tác quản trị, điều hành ngân hàng, tập trung vào các giải pháp quan trọng giúp ngân hàng.

"Cụ thể là Eximbank tiếp tục tập trung đặt trọng tâm đẩy mạnh kinh doanh theo hướng chuyển đổi số và đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số; duy trì và phát triển nền tảng khách hàng; phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng ngân hàng số; cải tiến các quy định nội bộ trong hoạt động tín dụng tại Hội sở và đơn vị kinh doanh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả; tiếp tục sắp xếp, cải tạo, xây dựng, mở rộng phát triển mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước nhằm đưa thương hiệu Eximbank đến gần khách hàng hơn", Eximbank nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 30/6, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) có công văn gửi Eximbank yêu cầu Ban Kiểm soát làm rõ việc thực hiện thay đổi nhân sự mới đây tại nhà băng này ở vị trí Chủ tịch HĐQT.

Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng yêu cầu Ban Kiểm soát Eximbank rà soát, làm rõ việc thực hiện các nội dung sau của thành viên HĐQT Eximbank, HĐQT Eximbank có phù hợp hay không phù hợp quy định của pháp luật, điều lệ Eximbank và các quy định nội bộ của Eximbank.

Cụ thể, việc các thành viên HĐQT Eximbank thực hiện thủ tục đề nghị triệu tập họp HĐQT ngày 1/6/2023 và việc xử lý của Chủ tịch HĐQT Eximbank đối với đề nghị triệu tập họp HĐQT nêu trên. 

Đồng thời, việc các thành viên HĐQT thực hiện các thủ tục thông báo mời họp HĐQT sau khi nhận được phản hồi của Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 13/6 cũng như việc thực hiện các thủ tục thay đổi nhân sự của Eximbank theo thông báo tại các văn bản số 5562 của Tổng giám đốc Eximbank ngày 28/6; các nội dung theo báo cáo của bà Lương Thị Cẩm Tú ngày 15/6.

Năm 2019, HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Lê Minh Quốc.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112. Sau đó, đến ngày 22/5/2019, Eximbank tiếp tục ban hành Nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh,  Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng tại vị, ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ chức do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông, nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Đến ngày 25/6/2020, HĐQT EIB chấp thuận cho ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức vụ Chủ tịch theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, HĐQT đã thông qua bầu ông Yasuhiro Saitoh - lúc bấy giờ đang giữ vị trí Phó chủ tịch đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay ông Cao Xuân Ninh.

Ông Yasuhiro Saitoh đã giữ chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng này cho đến ngày 13/4/2021.

Tháng 7/2021, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank đã trình miễn nhiệm hàng loạt nhân sự. Kiến nghị của nhóm cổ đông gồm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân. Số lượng cổ phần của nhóm cổ đông này thời điểm đó chiếm 10,36% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết tại Eximbank trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng.

Trong đơn kiến nghị, "nhóm cổ đông do bà Kiều Vũ Thụy Uyên làm đại diện kiến nghị, yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường với lý do và mục đích xem xét, quyết định miễn nhiệm các thành viên HĐQT (nhiệm kỳ 2015-2020) gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng". Và nhóm cổ đông này cũng chính là nhóm đã đề cử tân Chủ tịch Đỗ Hà Phương vào HĐQT.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 được tổ chức vào ngày 15/2/2023, danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ VII (2022-2025) đã được thông qua. bà Lương Thị Cẩm Tú tái đắc cử vị trí Chủ tịch Eximbank cho đến thông tin bị miễn nhiệm tối ngày 28/6/2023. Như vậy, chỉ trong 5 năm, Eximbank đã 5 lần thay đổi người giữ ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT Ngân hàng. 

ĐHĐCĐ Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, quý I đạt 900 tỷ đồng
Sáng ngày 14/4, Ngân hàng Eximbank (mã EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư