Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
FECON khẳng định vị thế tiên phong với lĩnh vực nền móng, công trình ngầm
Kỳ Thành - 17/06/2019 07:06
 
Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sở hữu những công nghệ tiên tiến về xây dựng nền móng và công trình ngầm, FECON đang khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực cốt lõi này. Đó cũng là nền móng để FECON xây tiếp giấc mơ “chinh phục tầm cao” trong giai đoạn tới.
FECON là nhà thầu của nhiều Dự án trọng điểm quốc gia.
FECON là nhà thầu của nhiều dự án trọng điểm quốc gia.

Người tiên phong

Trên công trường xây dựng ga ngầm đầu tiên của tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, những cần cẩu, trạm trộn bê tông… gắn tấm biển có dòng chữ FECON màu da cam hiện lên nổi bật, thu hút ánh mắt của người đi đường.

FECON là nhà thầu đảm nhiệm hạng mục công việc khó như xử lý nền phần ga ngầm tại dự án này, lại có cái tên nghe rất “tây”, nếu không phải dân trong nghề, thì chắc hẳn, ai cũng nghĩ  là nhà thầu nước ngoài.

Thế nhưng, từ 2 năm trước, FECON là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam vận hành robot đào hầm TBM dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản tại Dự án Metro số 1 TP.HCM. FECON cũng là đơn vị đã từng đảm nhiệm công tác xử lý nền bằng công nghệ tiên tiến Jet Grouting đường kính lớn cho phần ga ngầm đoạn từ Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đến Ga Ba Son.

Để làm được điều này, Ban lãnh đạo FECON đã nhìn trước hướng đi của công trình ngầm Việt Nam cách đây 4 năm, khi thành lập công ty con chuyên về lĩnh vực công trình ngầm, chiêu mộ đội ngũ nhân lực “khủng” là các tiến sỹ, thạc sỹ từ các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Singapore về Việt Nam làm việc; cử kỹ sư FECON đi học thạc sỹ công trình ngầm với sự tài trợ của Công ty… Chủ tịch FECON, ông Phạm Việt Khoa từng chia sẻ: “Rồi Việt Nam cũng sẽ phải làm metro chứ? Chẳng lẽ lại để cho các doanh nghiệp nước ngoài làm hết các hạng mục cho metro Việt Nam? Tại sao FECON không phải là doanh nghiệp đầu tiên làm việc đó?...”.

Từ “Công ty cổ phần Kỹ thuật Nền móng và Công trình ngầm FECON”, đến nay, Công ty cổ phần FECON đã trở thành tập đoàn với 20 công ty thành viên, bao gồm công ty mẹ, 11 công ty con và 8 công ty liên kết với tổng tài sản trên 5.000 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực có tính chất bổ trợ lẫn nhau và tận dụng tối đa năng lực cốt lõi là nền móng và công trình ngầm.

Đội ngũ kỹ sư FECON vận hành robot đào hầm TBM tại Dự án Metro số 1 TP.HCM.
Đội ngũ kỹ sư FECON vận hành robot đào hầm TBM tại Dự án Metro số 1 TP.HCM.

Nhờ đó, FECON đã trở thành nhà thầu xuất hiện tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia, các dự án FDI lớn của Samsung, LG, Formosa, các dự án năng lượng như Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Long Phú 1, Hóa dầu Long Sơn, Nhà máy thép Hòa Phát, Nhà máy VinFast…

Không dừng lại ở thị trường trong nước, FECON đã đặt chân đến những mảnh đất mới, trong đó có Myanmar với các dự án thi công tại cảng Thilawa và cầu Bago.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của FECON cho thấy, doanh thu năm 2018 của Công ty đạt 2.846 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2017. Trong đó, mảng thi công cọc là động lực tăng trưởng chính, đóng góp khoảng 75,9% tổng doanh thu, tương đương 2.159 tỷ đồng, tăng 43,6% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 của FECON đạt 248 tỷ đồng, tăng 39%.

Quý I/2019, tăng trưởng của FECON tiếp tục duy trì với doanh thu đạt 490,6 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 28,05 tỷ đồng, tăng 17,4%.

Dự kiến trong quý II/2019, doanh thu và lợi nhuận của FECON sẽ có sự đột biến, tăng lần lượt 30% và 176% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu dự kiến đạt 715,5 tỷ đồng.

Kết quả này có được nhờ thu về 141 tỷ đồng từ việc bán 9,4 triệu cổ phiếu cho đối tác Raito Kogyo (Nhật Bản), ghi nhận lãi 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FECON cũng ghi nhận khoản lãi 50 tỷ đồng từ việc bán 60% Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác Acwa Power (Ả rập Xê út).

Năm 2019, FECON đặt kế hoạch kinh doanh với triển vọng tích cực. Cụ thể, doanh thu dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 356 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 47,6% và 43,6% so với  năm 2018.

Theo các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam, với vị thế doanh nghiệp đầu ngành mảng thi công cọc móng, cùng nhu cầu xây dựng cơ bản lớn tại Việt Nam, FECON có đủ khả năng hoàn thành 80 - 100% kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận năm 2019 và mảng đầu tư sẽ là điểm nhấn tăng trưởng trong dài hạn của FECON.

“Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, một trong các yếu tố then chốt quyết định thành công bước đầu của FECON xuất phát từ việc Công ty đã lựa chọn cho mình một phạm vi kinh doanh khá đặc thù, đó là chuyên sâu về kỹ thuật nền móng và công trình ngầm”, Chủ tịch FECON chia sẻ.

Sẵn sàng bứt phá

Theo ông Phạm Việt Khoa, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2004 - 2015, FECON đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về nền móng công trình tại Việt Nam. Tiếp đó, trong giai đoạn 2014 - 2019, các nhà chiến lược FECON đặt ra tầm nhìn mới, đó là đưa FECON trở thành tập đoàn hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào những năm 2020.

“Tại thời điểm này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam vào những năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Phạm Việt Khoa nhấn mạnh trong bài viết gửi tới gần 2.000 nhân viên Công ty.

Thực chất, chiến lược ấy đã được FECON “âm thầm” chuẩn bị từ nhiều năm nay. “5 năm vừa qua, FECON đã đầu tư nhiều vào tài sản, máy móc, thiết bị liên quan đến công trình ngầm đặc biệt. Đó là thời gian đầu tư, đào tạo đội ngũ và 5 năm tới đây mới là giai đoạn khai thác”, ông Khoa chia sẻ.

Raito Kogyo - đối tác chiến lược của FECON là công ty chuyên về xây dựng hạ tầng của Nhật Bản có kinh nghiệm 71 năm hoạt động với quy mô doanh thu cao, năm 2018 đạt 99,465 triệu yên (tương đương 21.600 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, FECON cũng phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, tài chính, giáo dục và khoa học - công nghệ. Tập đoàn hiện có một số đối tác chiến lược là các công ty, tập đoàn nổi tiếng và dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng như Nexco & Jexway, Kanamoto, Acwa Power, APDP…

Đặc biệt, vào cuối tháng 5 vừa qua, Raito Kogyo đã hoàn tất việc mua 19,5 triệu cổ phiếu FCN, qua đó trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 17,13% cổ phần tại FECON.

Sắp tới, Raito Kogyo sẽ tiếp tục mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu FCN để nâng mức sở hữu lên trên 19% vốn điều lệ của FECON theo thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện trên nhiều phương diện đã được ký kết giữa hai bên.

Cụ thể, với kinh nghiệm và uy tín, Raito Kogyo sẽ chủ động tìm kiếm hợp đồng tại các dự án nước ngoài và FECON sẽ cung cấp nhân sự để thực hiện dự án.

“Chúng tôi đánh giá việc hợp tác chiến lược với Raito Kogyo không chỉ tăng doanh thu cho FECON trên thị trường nước ngoài, mà còn là cơ hội cho Công ty học hỏi được kinh nghiệm hoạt động cũng như quản lý tài chính từ Raito Kogyo”, chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam nhận định.

Về việc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi, ông Phạm Việt Khoa cho biết, trong 2 năm qua, các dự án hạ tầng hầu như dậm chân tại chỗ, không có dự án mới. “Sự chậm trễ đó đã tới hạn, tới đây, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai các dự án như metro, thoát nước ngầm, giao thông, thông qua vốn ngân sách, vốn FDI và các hình thức hợp tác PPP... Đó là cơ sở để tin rằng, trong thời gian tới, những công trình hạ tầng sẽ nhiều lên”, ông Khoa khẳng định.

Chủ tịch FECON cho biết, Tập đoàn đã theo đuổi một số dự án trọng điểm, tiềm năng từ nhiều năm nay như Dự án Thoát nước thải Yên Xá (Hà Nội), Gói thầu Metro 3 Hà Nội, Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án Hóa dầu Long Sơn...

Bên cạnh đó, với chiến lược đầu tư trong những năm trở lại đây, FECON cũng tham gia đầu tư góp vốn với tỷ lệ nắm quyền chi phối tại các dự án hạ tầng như Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, Nhà máy Điện mặt trời Bình Phước, Dự án Điện gió tại Gia Lai, Đắk Lắk…

Bên cạnh việc “xây chắc nền móng” tại các mảng kinh doanh chính, thời gian tới, FECON sẽ tập trung một phần nguồn lực vào mảng đầu tư, đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo với quyết tâm mỗi năm sẽ khởi công ít nhất 1 dự án tầm cỡ.

Sau khi hoàn thành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 - Giai đoạn 1 trong tháng 6 này, FECON sẽ bắt tay đẩy nhanh đầu tư phát triển Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo Giai đoạn 2 cũng như các dự án Nhà máy Điện mặt trời Bình Phước, Dự án Điện gió tại Gia Lai… và cả các dự án hạ tầng quan trọng khác như Dự án BT tỉnh lộ 9 TP.HCM, Dự án BT cống Rạch Tra TP.HCM...

Về hình thức hợp tác, FECON sẽ góp vốn khoảng 33 - 50%, được ưu tiên bao thầu thi công, sau khi hoàn thiện sẽ xem xét thoái vốn hoặc giữ lại một phần. Dự kiến đến năm 2023, mảng đầu tư sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu toàn Tập đoàn, trong đó mảng điện tái tạo chiếm khoảng 60%.

Với chiến lược tham vọng và hành động cụ thể, những bước đi “chuyển mình” từ công ty chuyên về kỹ thuật, tham gia dự án với tư cách nhà thầu phụ sang công ty đầu tư dựa trên năng lực cốt lõi của FECON đã dần lộ diện.

FECON đặt mục tiêu tham vọng
Để thực hiện tham vọng doanh thu hợp nhất chạm mốc trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2023, Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HOSE) đã đề ra một chiến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư