Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Fed sắp tăng lãi suất, Trung Quốc nguy cơ nổ "bom nợ" và GDP Việt Nam có thể chỉ đạt 6,2%
T.L - 11/10/2016 12:59
 
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế thế giới còn rất nhiều yếu tố bất định. Dư địa thúc đẩy tăng trưởng, giảm lãi suất quý IV không nhiều, do đó, GDP năm nay khả năng chỉ đạt 6,2%.
TIN LIÊN QUAN

Sáng nay (11/10), Viên nghiên cứu và chính sách (VEPR) công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016. Theo VEPR, sau quý III, kinh tế thế giới đang trở nên không chắc chắn. Fed tiếp tục để ngỏ khả năng tăng lãi suất, Nhật Bản chìm sâu hơn vào vòng xoáy giảm phát trong khi Anh và EU vẫn đang trong quá trình tiến hành Brexit. Giá cả nhiều mặt hàng lương thực có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới mà VEPR đưa ra, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia là chưa đủ. Theo ông Tuyển, kinh tế thế giới đang có nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là khả năng Fed tăng lãi suất là rất lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đứng trước hai vấn nạn: nợ lên tới 280% GDP và giá bất động sản tăng vọt. Nếu hai quả bom này phát nổ, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong nước, kinh tế quý III đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm, kéo theo tăng trưởng GDP 9 tháng 5,93%. Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 6,7% xuống còn 6,3-6,5% song theo VEPR, tăng trưởng, kinh tế cả năm nay chỉ đạt 6%.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% trong năm nay là không khả thi. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, tăng trưởng Quý 4 có tăng cao hơn Quý 3 cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Lần duy nhất ghi nhận mức chênh lệch này là năm 2009 khi Chính phủ ra gói kích cầu quy mô lớn nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Kinh tế phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm nhờ những yếu tố tích cực đến từ khu công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên sự phục hồi này không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, cho rằng, sự sụt giảm của khai khoáng là khách quan  vì tài nguyên dần cạn kiệt, không nên lấy đó làm lý do để biện minh mà cần phải thúc đẩy sản xuất. Còn sự sụt giảm của nông nghiệp, bên cạnh lý do con người (cá chết) còn có nguyên nhân khách quan (biến đổi khí hậu). Do đó, cần phải chấp nhận thực tế khách quan này để nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có như vậy mới vực dậy được tăng trưởng. Ngay từ cuối năm ngoái, khi xảy ra sự kiện cá chết hàng loạt và hạn mặn lịch sử, ông đã nhiều lần đề nghị Chính phủ chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,2% cho năm nay và hiện vẫn giữ nguyên quan điểm.

Về xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, lâu nay, Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối DN FDI, đặc biệt là xuất khẩu điện thoại của Samsung. Tuy nhiên, hiện sự cố Note 4 bị thu hồi có thể khiến sản xuất của Samsung đình đốn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nói chung.

Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, dù đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất, song ông Trương Đình Tuyển cho rằng, đây là thị trường thiếu bền vững, thay đổi chính sách liên tục. Cụ thể, những năm qua, Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều gạo của Việt Nam nhưng mới đây (tháng 6/2016)  lại công bố tiêu chuẩn mới. Tiêu chuẩn này sẽ gây khó cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất sang thị trường này. 

Theo cảnh báo của các chuyên gia, rủi ro lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là nguy cơ lạm phát quay lại và nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn có thể tăng lên. Nợ xấu cũng là một trong những lý do khiến lãi suất khó có thể giảm thêm thời gian tới.

“Việc một số ngân hàng lớn giảm lãi suất không phản ánh khuynh hướng chung của toàn bộ hệ thống và chưa chuyển được thành khuynh hướng giảm lãi suất cho vay”, ông Trương Đình Tuyển nhận định. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư