Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Fintech chờ “chìa khóa” từ chính sách
Thị Hồng - 12/01/2022 11:16
 
Năm 2022 được dự đoán là năm bùng nổ của ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam, bên cạnh kỳ vọng cơ chế pháp luật được xây dựng theo hướng mở tạo nên sự phát triển ổn định.

Cơ hội từ thị trường thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới tại châu Á - Thái Bình Dương (khu vực hiện có gần 4,7 tỷ người đang sinh sống, chiếm 60% tổng dân số thế giới) đang bước vào thời kỳ hoàng kim. Theo dữ liệu của Google, Temasek và Bain, nền kinh tế kỹ thuật số tại riêng Đông Nam Á sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Còn theo báo cáo mới được Deloitte công bố, thương mại điện tử tại châu Á - Thái Bình Dương đang tăng tốc mạnh hơn bao giờ hết.

Deloitte đã phân loại Việt Nam trong nhóm thị trường đang phát triển bên cạnh Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là đang dần vươn lên và thực hiện rất tốt việc số hóa trên hầu hết các khía cạnh khác của thương mại điện tử, đồng thời dẫn đầu xu hướng số hóa trong sản xuất.

Sự xuất hiện của kỳ lân thứ tư tại Việt Nam vào cuối năm 2021 (Momo) cũng là một tín hiệu cho thấy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử nói chung. Đặc điểm chung của đa số kỳ lân nội địa là đều cung cấp dịch vụ thanh toán, như VNLife sở hữu ví VNPay, VNG sở hữu ZaloPay hay Momo với M-Service.

Trong đó, M-service đã huy động được khoản tài trợ trị giá 200 triệu USD do Ngân hàng Nhật Bản Mizuho dẫn đầu vào tháng 12/2021. ZaloPay nằm trong tốp 3 ví điện tử xét về số lượng người dùng hàng tháng (MAU) và tổng khối lượng thanh toán (TPV). Còn VNPay tiên phong trong lĩnh vực thanh toán bằng mã QR tại thị trường nội địa.

Chờ “chìa khoá” chính sách

Việt Nam đang sẵn sàng trở thành một trong những thị trường có ngành fintech cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á, khi có hơn 80% dân số sử dụng điện thoại di động và tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng còn thấp. Cùng với đó, các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ điện tử và mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2025 góp phần lớn vào sự phát triển chung của fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.

Được thúc đẩy mạnh từ dòng vốn đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp có trụ sở trong nước như Momo hay VNG đang cạnh tranh với những “gã khổng lồ” trong khu vực như Grab và Sea để trở thành lựa chọn thường xuyên nhất trên điện thoại của người tiêu dùng.

Bà Trang Bùi và bà Mai Bùi - hai chuyên gia phân tích đầu tư tại Insignia Ventures Partners ví von rằng, nếu năm 2022 mở ra cánh cửa cho sự bùng nổ fintech tại Việt Nam, thì các quy định, khuôn khổ pháp lý chính là “chìa khóa” sẽ đưa sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam ra khỏi phạm vi các khoản thanh toán nhỏ lẻ.

Theo số liệu của các nhà đầu tư tại Insignia Ventures Partners, tính đến tháng 1/2022, có 46 giấy phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian được cấp cho các chủ sở hữu giấy phép cung cấp ví, cổng, chuyển đổi tài chính, thanh toán bù trừ điện tử, dịch vụ hỗ trợ thanh toán và chuyển khoản.

Fintech có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh lực, không chỉ gói gọn trong tài chính, ngân hàng hay bảo hiểm. Khoảng 200 công ty fintech tại Việt Nam đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trải dài từ trung gian thanh toán đến cho vay ngang hàng, công nghệ chuỗi khối, đầu tư, chấm điểm tín dụng…

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, nên pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn thiện, cũng như đầu mối chịu trách nhiệm quản lý đồng bộ. Đến nay, mới có những quy định ban đầu dành cho trung gian thanh toán và định danh điện tử (eKYC).

Từ năm 2020, các cơ quan chức năng đã xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (sandbox). Điều này cho phép các doanh nghiệp phát triển và thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh fintech mới.

Dự kiến, dự thảo về sandbox cho fintech sẽ ra mắt trong năm nay, gồm 7 lĩnh vực như thanh toán, tín dụng, cho vay P2P, hỗ trợ KYC, API mở, các giải pháp áp dụng công nghệ sáng tạo (như blockchain) và các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động của ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm).

M&A trong lĩnh vực fintech: “Đại bàng” bắt đầu sải cánh
Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đang trở thành cánh “đại bàng” trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư