Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Fintech dẫn dắt vốn đầu tư vào start-up
Tú Ân - 17/07/2022 13:38
 
Fintech tiếp tục là sếu đầu đàn dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào start-up trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ào ạt vốn đổ vào fintech

Thương vụ đáng chú ý nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 là Sky Mavis, nhà sản xuất game Axie Infinity công bố huy động được 150 triệu USD. Thương vụ được thực hiện vào tháng 4/2022, sau cuộc tấn công khiến Axie Infinity bị đánh cắp là 625 triệu USD tiền mã hóa. Dẫn đầu vòng này là Binance, bên cạnh đó còn có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong cộng đồng blockchain như Animoca Brands, a16z, Dialectic, Paradigm và Accel.

Trước đó, cuối năm 2021, Sky Mavis đã huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Andreessen Horowitz và một số nhà đầu tư khác. 

Cũng trong thời gian này, một thương vụ đáng chú ý khác là Tập đoàn Masan hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Trusting Social Việt Nam (thuộc Trusting Social, có trụ sở tại Singapore). Trusting Social là giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) giúp ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên quy mô lớn.

Một fintech ứng dụng đầu tư cá nhân với 2,7 triệu người dùng là Finhay cũng đã công bố huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, được dẫn dắt bởi Openspace Ventures. Các nhà đầu tư tham gia vào vòng này còn có VI Group, Insignia, TVS, Headline, TNBAura và IVC.

Trước đó, tháng 1/2022, Ngân hàng số Timo cho biết, đã huy động thành công 20 triệu USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi Square Peg cùng các nhà đầu tư khác là Jungle Ventures, Granite Oak, FinAccel và Phoenix Holdings. Trước khi gọi thành công 20 triệu USD từ vốn ngoại, nền tảng giao dịch ngân hàng số Timo đã nhận được tài trợ hạt giống từ nhóm nhà đầu tư của VinaCapital Ventures.

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ đầu tư Do Ventures công bố, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up tại Việt Nam trong năm 2021 đạt kỷ lục, trên 1,5 tỷ USD, trong đó thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai lĩnh vực đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư.

Còn theo dữ liệu từ Dealroom, trong quý I/2022, các công ty fintech Đông Nam Á đã gọi vốn được tổng cộng 1,4 tỷ USD, tương đương mức tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Còn theo Robocas Group, trong tương lai gần, với sự ủng hộ của Chính phủ, đến năm 2024, thị trường fintech Việt Nam sẽ chạm mốc 18 tỷ USD.

Vì sao tiếp tục hot?

“Thị trường fintech năm 2022 cũng đã khởi động mạnh mẽ với nhiều hoạt động tài chính, mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động. Không hề quá lạc quan khi nói rằng, trong năm nay Fintech Việt Nam sẽ phát triển thần tốc theo cấp số nhân”, ông Bryan Patrick Carroll, Tổng giám đốc điều hành TNEX nhận xét. 

Theo ông Carroll, nhiều công ty sẽ trở thành fintech trong năm 2022, nhiều dịch vụ fintech hơn được tích hợp vào các công ty phi tài chính, các tổ chức tài chính sẽ tìm cách loại bỏ rào cản ngân hàng và hình thức thanh toán phức tạp để mang lại trải nghiệm liền mạch hơn cho người tiêu dùng. Năm 2022 mới là năm đỉnh cao khi nhiều ngân hàng và fintech tận dụng công nghệ, dữ liệu lớn và các mô hình kết hợp hơn để chuyển đổi ngân hàng cho người tiêu dùng có được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.

Các yếu tố khiến thị trường fintech trở nên nóng bỏng, theo ông Carroll là quy mô dân số lớn, trẻ trung, mê công nghệ với hơn 68 triệu người dùng Internet và 149 triệu kết nối di động và sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ.

Đồng quan điểm, ông Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone Ventures cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường fintech tại Việt Nam đến từ các yếu tố như quy mô dân số gần 100 triệu với tỷ lệ dân số trẻ cao, dễ thích nghi với nhiều loại hình dịch vụ mới. Người dân Việt Nam sử dụng Internet và smartphone rất cao, thuộc top các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Sự khủng hoảng của thị trường cũng tạo ra nhiều nhu cầu khác của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các loại hình dịch vụ tài chính mới. Từ dữ liệu người dùng, các công ty start-up có thể cung cấp những giải pháp đáp ứng chính xác nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Thị trường bán lẻ và tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh, song song với đó, thị trường kinh tế trên Internet được dự báo tăng trưởng lên tới 11 lần đến năm 2030, đứng đầu về tốc độ tại Đông Nam Á. Với cơ hội đó, các fintech tại Việt Nam vẫn còn một mảnh đất màu mỡ để sáng tạo với các dịch vụ mang tính cách mạng”, ông Đô nhận xét.

TS. Nguyễn Ngọc Trường Huy, Phó viện trưởng Viện John Von Neuman, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, ngành tài chính không phải ngành độc lập, mà nó sống được trong hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực khác như ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, thương mại điện tử... Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho start-up trẻ khi tham gia trở thành một phần trong hệ sinh thái đó.

Có thể thấy, fintech đang là thỏi nam châm hút vốn đầu tư lớn tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài khi sự trưởng thành của thị trường tài chính với sự cạnh tranh, lớn mạnh của các ngân hàng số, cùng với đó là chính sách, khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện. Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để start-up fintech phát triển, hợp tác với các dịch vụ chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Theo Báo cáo S&P Global Market Intelligence May 2022, trong quý I/2022, Đông Nam Á chiếm tỷ trọng tới 40% tổng lượng vốn đầu tư cho các start-up fintech khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 186 thương vụ, tổng giá trị 3,33 tỷ USD.

Trong quý II/2022 đã xuất hiện nhiều thương vụ lớn gọi vốn thành công cho start-up thương mại điện tử như: Voyager Innovations (210 triệu USD), Xendit (300 triệu USD ), Pintu (113 triệu USD), Flip (100 triệu USD)…
Nên thử nghiệm giải pháp Fintech cho ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm
Cần cân nhắc xây dựng một khuôn khổ chính sách chung cho cả ba lĩnh vực và từ đó thì có các quy định điều tiết cụ thể dựa trên tính chất rủi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư