Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
FPT đã “từ tay trắng bước ra toàn cầu” như thế nào?
Hà Nguyễn - 13/01/2024 11:07
 
FPT đã có hành trình 25 năm nỗ lực từ tay trắng để đạt được 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm vào năm 2023. Giờ đây, mục tiêu của FPT là đưa con số đó lên 5 tỷ USD vào năm 2030.

Tập đoàn FPT vừa chính thức tổ chức lễ công bố hành trình trở thành doanh nghiệp đạt doanh thu tỷ USD từ thị trường nước ngoài. Một dấu mốc quan trọng trong hành trình 35 năm phát triển của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam - FPT.

“1 tỷ USD không chỉ là con số mà là cuộc đời của chúng tôi, cả thời thanh niên, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất đời tôi. Đây còn từng là ước mơ, và đã thành hiện thực”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ.

Xúc động kể về hành trình “từ tay trắng bước ra toàn cầu”, ông Trương Gia Bình cho biết, đấy chính là khát vọng rất lớn mà chính người FPT cũng không nghĩ đến từ những ngày đầu lập nghiệp.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ về hành trình từ tay trắng bước ra toàn cầu.

“25 năm trước, chúng tôi còn chưa biết làm phần mềm thì làm sao thanh niên Việt Nam muốn dấn thân, gắn bó cuộc đời với phần mềm. Ngày ấy, chúng tôi chỉ có ước mơ dùng trí tuệ Việt Nam, không phải dùng đất đai, khoáng sản đem lại giá trị cho đất nước. Ngày nay, câu chuyện hoàn toàn khác, không chỉ là góp phần hưng thịnh quốc gia mà còn là vị trí hàng đầu trên thế giới. Đây không phải lộ trình tính toán được từ 25 năm trước. Đây còn là sự may mắn, dẫn đến thế và lực đất nước hôm nay”, ông Trương Gia Bình nói.

Hơn hai thập kỷ trước, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài với khát vọng: đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới. 

Từ 1 triệu USD vốn vay đầu tiên, FPT đã “mò mẫm” tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn “công nghiệp” như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn USD.

Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005. 

Chia sẻ về những năm tháng ấy, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software cho biết, ông chính là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và lặng lẽ quay về.

“Lúc đó, trong nội bộ chúng tôi có nhiều ý kiến. Sau 3 năm, đạt mốc 1 triệu USD, chúng tôi có niềm tin bước tiếp, dù biết rằng mình vẫn đang ở giữa lằn ranh sinh tử”, ông Phạm Minh Tuấn kể.

Nhưng bước đường từ 1 triệu USD lên tới 10 triệu USD sau đó tiến rất nhanh. Từ 10 triệu USD lên đến 100 triệu USD, có những quãng đường, đi chậm lại rất nhiều.

“Sau khi Nhật Bản gặp sóng thần, chúng tôi mới quyết định ở lại. Chúng tôi xác định, chỉ khi người Nhật rời Nhật Bản chúng tôi mới quay về Việt Nam. Bằng quyết tâm đó, chúng tôi lại đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, để giờ đây, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ”, ông Phạm Minh Tuấn nói.

Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu.

FPT đặt mục tiêu đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào năm 2030.

Từ “không” khách hàng, FPT đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500). Từ triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT đã “lột xác” đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Đặc biệt, từ công ty không thương hiệu, FPT đã bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD. 

“Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Nhưng FPT sẽ không dừng lại ở đó. Khát vọng của FPT là trở thành một doanh nghiệp đẳng cấp toàn cầu - world class, với doanh thu ở thị trường nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2023. Trở thành doanh nghiệp tỷ USD, theo định nghĩa của FPT, có nghĩa là có thể đạt doanh thu tỷ USD từ một thị trường, doanh thu tỷ USD từ một ngành, có hợp đồng tỷ USD và lợi nhuận tỷ USD.

Đó là một khát vọng lớn. Liệu FPT có thể đạt được?

“FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão, mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. Con số 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài là một trong số đó. Với tiềm năng thị trường và những gì chúng tôi đã làm được, FPT đang hướng đến ước mơ có một triệu nhân sự chuyển đổi số”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT khẳng định và cho biết, trong thời gian tới, FPT sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, Chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Kiên cường - Sáng tạo - Dấn thân” để vượt thách thức
Theo ông Trương gia Bình, ba năm qua, thế giới đứng trước đại dịch chưa từng có là Covid-19. Đứng trước thách thức ấy, điều quan trọng nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư