Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
G20: Mỹ không nhân nhượng thuế quan với Trung Quốc
Việt Nga - 29/06/2019 07:36
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ không trì hoãn việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mặc dù ông cảm thấy cuộc gặp song phương Mỹ - Trung diễn ra ngày 29/6 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) sẽ đem lại kết quả tích cực.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 28/6 tại Osaka (Nhật Bản)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 28/6 tại Osaka (Nhật Bản)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây và nhiều người kỳ vọng rằng, cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nới lỏng phần nào sự căng thẳng hiện nay.

“Ít nhất, cuộc gặp này cũng mang tính chất xây dựng. Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra cuộc gặp này đem lại kết quả gì”, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên sau một loạt hội nghị giữa các nhà lãnh đạo G20 diễn ra ngày 28/6. Tại các cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, ưu tiên của ông là đạt được các thỏa thuận thương mại song phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, với câu hỏi rằng, có phải ông đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về trì hoãn 6 tháng việc đánh thuế mới trị giá 300 tỷ USD đối với hầu hết hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã trả lời ngay là không.

Tổng thống Donald Trump đã đánh thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD và dọa đánh thuế tiếp trị giá 300 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ nước này. Trung Quốc cũng đã đánh thuế trả đũa đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Geng Shuang nói: “Chúng tôi hy vọng hai bên làm việc tích cực để hội nghị đạt được kết quả tích cực. Kết quả vì lợi ích của hai bên cũng là điều mà cộng động quốc tế đang kỳ vọng”.

Mối đe dọa với tăng trưởng toàn cầu

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây sóng gió trong quan hệ thương mại với Nhật Bản và Ấn Độ - những nước đã tham gia hội nghị ba bên với Tổng thống Mỹ sáng 28/6 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20.

Tổng thống Donald Trump cho biết, ông cảm nhận triển vọng thương mại Mỹ được cải thiện. Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, đồng thời đề nghị Ấn Độ rút bỏ thuế quan trả đũa đối với Mỹ sau khi Mỹ đánh thuế đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.

“Tôi nghĩ, chúng ta đang chuẩn bị đạt được những vấn đề rất to tát để công bố. Một thỏa thuận thương mại rất lớn”, ông Trump nói trước khi có cuộc đàm phán với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trong hội nghị song phương này, một quan chức Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi các cơ quan chức năng của hai bên nỗ lực làm việc để đạt được thỏa thuận thương mại trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh việc thảo luận về mối lo ngại đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Mỹ đã gây áp lực đối với các nước đồng minh để tránh xa Huawei khi xây dựng mạng 5G. Đây cũng được xem là một nhân tố trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Liên quan căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một số nhà lãnh đạo cảnh báo rằng, những xung đột thương mại tăng lên đang là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng. Đây là nhân tố làm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại”, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng tại một số nước phát triển. “Việc này đang hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu… Thực tế này cũng ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước chúng ta, phủ bóng đen lên hòa bình và ổn định trên toàn thế giới”, ông Tập Cận Bình phát biểu trước các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

Kêu gọi cải cách WTO

Trong hội nghị của nhóm BRICS diễn ra ngày 28/6, Thủ tướng Ấn Độ Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo đặt trọng tâm vào việc cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc này là hủy hoại WTO.

“Chúng tôi coi mọi nỗ lực xóa bỏ hay giảm nhẹ vai trò của WTO là phản tác dụng”, Tổng thống Vladimir Putin phản bác.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cũng nhấn mạnh, không hề có thỏa thuận nào về việc cải cách hệ thống WTO, mặc dù một quan chức Nhật Bản cho biết, các thành viên G20 đã nhất trí với việc cải cách WTO.

Ông Svetlana Lukash, quan chức Nga cho biết, các nhà lãnh đạo G20 cũng thảo luận nhiều để tìm tiếng nói chung về các vấn đề như an toàn thông tin, biến đổi khí hậu và nhập cư.

Tại hội nghị song phương Mỹ - Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh đầu tư sang Mỹ với minh chứng là có nhiều dự án đầu tư mới của nước này tại Mỹ trong thời gian gần đây. “Nhật Bản đã có thêm 5 dự án đầu tư tại Mỹ chỉ trong vòng một tháng”, ông Abe nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá tích cực về diễn biến quan hệ thương mại giữa hai nước.

“Tôi cũng đánh giá cao thực tế là các bạn đã có nhiều công ty ô tô đầu tư vào Michigan, Ohio, Pennsylvania và North Carolina”, ông Donald Trump nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Được biết, Nhật Bản và Mỹ đang trong quá trình đàm phán thương mại khó khăn, khi chính quyền Mỹ muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, các cuộc gặp thường xuyên của ông với Tổng thống Donald Trump là “bằng chứng về liên minh Mỹ - Nhật bền vững”.

Ông Shinzo Abe cũng hối thúc các nhà lãnh đạo G20 đưa ra thông điệp mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do và công bằng, đồng thời cảnh báo rằng, những căng thẳng về thương mại và địa chính trị đã tăng lên, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

“Hôm nay, tôi muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo về các biện pháp tăng cường động lực hướng tới cải cách WTO”, ông Shinzo Abe nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư