Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
G7 sắp công khai xác nhận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%
Lê Quân - 12/06/2021 11:39
 
Các nước G7 sẽ công khai xác nhận mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% vào ngày 11/6 (giờ Mỹ), trong nỗ lực cập nhật các quy định thuế quốc tế cho nền kinh tế số toàn cầu.
hủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (bìa trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Cuộc họp ngoại trưởng G7 tổ chức tại London vào ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP
hủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (bìa trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Cuộc họp ngoại trưởng G7 tổ chức tại London vào ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP

Theo đài CNBC, lãnh đạo các nước G7 cũng sẽ công bố kế hoạch thay thế thuế dịch vụ số vốn được nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, bằng một kế hoạch áp thuế mới liên quan đến nơi các công ty đa quốc gia đang hoạt động kinh doanh, thay vì nơi họ đặt trụ sở chính.

Đối với chính quyền Tổng thống Biden, kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thể hiện một bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu kiến tạo cái gọi là "chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu". Chiến lược này nhằm đảm bảo toàn cầu hóa và thương mại được khai thác vì lợi ích của người lao động Mỹ, chứ không dành riêng cho các tỷ phú và các tập đoàn đa quốc gia.

Đối với các quốc gia khác, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu hướng đến chấm dứt cuộc chạy đua cắt giảm thuế xuống đáy để thu hút các công ty đa quốc gia.

Nếu được ban hành rộng rãi, thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ phá bỏ thông lệ của các tập đoàn toàn cầu khi tìm kiếm "thiên đường thuế" như Ireland và Quần đảo Virgin thuộc Anh để đặt trụ sở chính, trong khi khách hàng, hoạt động kinh doanh, và các giám đốc điều hành lại nằm ở nơi khác.

Sau thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, sáng kiến lớn thứ 2 mà Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo G7 sẽ công bố hôm 11/6 là một kế hoạch mà họ đang "tích cực xem xét" để mở rộng nguồn cung Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một loại tài sản bằng tiền mà các nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nắm giữ trong dự trữ quốc tế.

Theo thông cáo mới đây của Nhà Trắng, kế hoạch này nhằm mở rộng hoạt động hỗ trợ vốn phát triển quốc tế cho các nước nghèo, giúp họ mua vắc-xin Covid-19 và phục hồi nhanh hơn sau những tác động của đại dịch Covid-19.

Nhà Trắng cho biết lãnh đạo các nước G7 sẽ đồng ý "tiếp tục hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế toàn cầu trong thời gian cần thiết để thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ, cân bằng, và bao trùm".

Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vẫn là sáng kiến có khả năng tác động lớn nhất đến lợi nhuận của doanh nghiệp và quyết định của nhà đầu tư. Thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu "đóng vai trò là bàn đạp để đạt được một thỏa thuận quy mô lớn hơn tại G20", một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay.

Trước đó, tuyên bố chung mà Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra hôm 10/6 đã hé lộ những gì có thể mong đợi từ thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu giữa các nước G7.

"Chúng tôi cũng cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% trên cơ sở từng quốc gia", tuyên bố chung nêu. Là một phần trong thỏa thuận này, "chúng tôi sẽ loại bỏ tất cả thuế dịch vụ số và các biện pháp tương tự có liên quan đối với mọi công ty", tuyên bố nhấn mạnh.

Các nhà phân tích cho rằng việc loại bỏ các loại thuế dịch vụ số và việc chấm dứt mối đe dọa áp dụng các thuế dịch vụ số mới, sẽ tăng thêm mức độ chắc chắn cho hệ thống thuế quốc tế và về lâu dài sẽ có lợi cho các công ty công nghệ lớn (Big Tech), ngay cả khi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu mới đẩy chi phí của họ tăng lên trong ngắn hạn.

Mỹ kỳ vọng G7 ủng hộ đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết ông mong muốn đồng nghiệp ở các nước G7 ủng hộ mạnh mẽ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư