Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có thể mở ra các liên minh địa chính trị
Lê Quân - 05/06/2021 20:16
 
Các nhà phân tích cho rằng có thể xuất hiện các liên minh địa chính trị trong những năm tới một khi các nước G7 ủng hộ đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu của Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (bìa trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Cuộc họp ngoại trưởng G7 tổ chức tại London vào ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (bìa trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Cuộc họp ngoại trưởng G7 tổ chức tại London vào ngày 5/5/2021. Ảnh: AFP

Nhiều quan chức châu Âu từ lâu đã kêu gọi cách tiếp cận chung trong việc đánh thuế doanh nghiệp, ngay cả ở Ireland - "cứ điểm" của một số "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ. Về cơ bản, những nỗ lực trên nhằm khắc phục khác biệt nội bộ giữa 27 quốc gia thành viên EU. Kết quả tốt nhất cho những nỗ lực này là tìm ra một phương pháp đánh thuế chung cho môi trường quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt kỳ vọng vào một chính sách thuế chung như vậy, đồng thời đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

Câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là liệu sẽ có một thỏa thuận giữa các nước về đánh thuế doanh nghiệp hay không, mà là khi nào thỏa thuận này được thông qua. Thỏa thuận này không đơn thuần tác động đến việc đánh thuế của các nước, mà còn chi phối nhiều phương diện khác, bao gồm cả đối sách của Mỹ với Trung Quốc.

Ông Jeremy Ghez, Giáo sư liên kết tại Trường Kinh doanh HEC (Paris) cho rằng, vấn đề đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có liên quan tới quan điểm của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, gồm: tiền tệ, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc Covid-19, hành vi ở Biển Đông, vấn đề Tân Cương... "Tất cả những điều này đều quan trọng ở nhiều góc độ khác nhau đối với Washington. Và chúng cũng quan trọng đối với châu Âu", Giáo sư Jeremy Ghez nhấn mạnh.

"Điểm khác biệt Tổng thống Biden và (cựu Tổng thống Donald) Trump là về vấn đề liên minh. Trump cảm thấy [người châu Âu] chẳng giúp được gì nhiều và châu Âu cũng tệ như Trung Quốc về vấn đề thương mại… Nhưng Biden tin rằng với một liên minh rộng rãi, có thể đẩy Trung Quốc đi theo con đường mang tính xây dựng hơn. Áp lực quốc tế, đó là áp lực không riêng từ Washington, có thể trở nên hữu ích đối với bất kỳ vấn đề nào", GS. Ghez nói.

Trong lần căng thăng mới đây với Trung Quốc, Tổng thống Biden mới đây ký một sắc lệnh hành pháp cấm các thực thể Mỹ đầu tư vào 59 doanh nghiệp Trung Quốc được cho là có liên quan đến quân đội.

Cao ủy phụ trách kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, cho biết quan hệ với Trung Quốc "sẽ là một vấn đề rất quan trọng" khi nguyên thủ các nước G7 nhóm họp vào tuần tới.

"Chúng ta phải hợp tác trong một số lĩnh vực, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta cũng phải có một thỏa thuận toàn cầu mạnh mẽ để đảm bảo một sân chơi bình đẳng về kinh tế, điều không phải đều xuất phát từ Trung Quốc, và để đối mặt với thách thức trong mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai", Cao ủy Paolo Gentiloni nói. Ông cho rằng G7 "sẽ phối hợp cùng nhau để tìm ra sự cân bằng phù hợp".

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc trở nên khó khăn trong những tháng gần đây, dù năm 2020 mối quan hệ EU - Trung Quốc năm 2020 có bước tiến lớn với việc hai bên ký kết thỏa thuận đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu đầu tư và làm việc tại Trung Quốc - nơi họ đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ.

Tuy nhiên, châu Âu đã hoãn phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc sau một cuộc tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh hồi tháng 3. Ở thời điểm đó, EU quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Đáp trả, Bắc Kinh công bố các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của Nghị viện châu Âu.

Liên hợp quốc, Mỹ, Vương quốc Anh, và các quốc gia khác cho rằng phần lớn người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sống ở phía tây Trung Quốc là nhóm người bị đàn áp. Vào tháng 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những cáo buộc này là "lời bịa đặt ác ý" được dùng để "bôi nhọ Trung Quốc" và "cản đường phát triển của Trung Quốc".

Bà Leslie Vinjamuri, Giám đốc Chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Viện nghiên cứu quốc tế Chatham House (Anh) cho rằng việc EU tạm dừng phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" đồng thời có thể mở đường cho "sự hợp tác lớn hơn" giữa EU và Mỹ.

Các quan chức Mỹ và EU sẽ tiếp tục thảo luận về Trung Quốc sau cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo G7 vào tuần tới, khi Tổng thống Joe Biden bay đến Brussels dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ vào ngày 15/6.

Mỹ kỳ vọng G7 ủng hộ đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết ông mong muốn đồng nghiệp ở các nước G7 ủng hộ mạnh mẽ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư