Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Gần 41.000 tỷ đồng ồ ạt vào thị trường, VN-Index chững lại vì nhóm VN30
Thanh Thủy - 01/11/2021 17:48
 
Thanh khoản vọt lên 40.965 tỷ đồng, tăng gần 17% so với phiên cuối tuần. Đây cũng là phiên giao dịch có thanh khoản cao thứ hai của chứng khoán Việt Nam, chỉ thấp hơn phiên 20/8/2021(48.620 tỷ đồng).

VN-30 rơi sâu, dòng tiền mua - bán sôi động ngay đầu tuần

Sau tuần giao dịch thăng hoa và liên tục lập đỉnh, VN-Index mở cửa tuần mới với nhiều do dự hơn. Trạng thái giằng co khiến chỉ số liên tục xao động, có thời điểm vọt lên trên 1.451 điểm, nhưng cũng có lúc giảm còn 1.436 điểm vào giữa phiên chiều. Áp lực bán tăng lên từ nửa cuối phiên chiều cũng khiến HNX-Index thu hẹp đà tăng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,3 điểm (-0,37%) xuống 1.438,97 điểm. HNX-Index tăng 3,42 điểm (0,83%) lên 415,54 điểm. UPCoM-Index tăng 0,57 điểm (0,54%) lên 105,95 điểm.

VN-Index điều chỉnh sau
VN-Index điều chỉnh sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Diễn biến tiêu cực ở rổ chỉ số VN30 là yếu tố chính kìm chân chỉ số chung. Trong khi cả VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt tăng 1,29% và 1,19%, VN30-Index giảm tới 15,6 điểm tương đương bốc hơi 1,02% xuống còn 1.516,75 điểm.

Trong rổ cổ phiếu vốn hóa lớn này, 20/30 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, tới 4 cổ phiếu giảm hơn 3% gồm KDH, MSN, TPB và PDR. Ba ông lớn của rổ VN30 gồm MSN, HPG và GAS đều góp trên 1,5 điểm giảm trong phiên hôm nay. Chỉ một vài cổ phiếu tăng giá như POW (+3,6%), CTG và  SSI (+2,2%).

Diến biến giằng co và đặc biệt là cú rơi giữa phiên chiều đã kéo dòng tiền giao dịch sôi động. Lực cầu bắt đáy tăng cao khi VN-Index giảm còn 1.436 điểm. Tổng cộng, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng lên 33.700 tỷ đồng với 1,13 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng. Con số này chỉ thấp hơn mức kỷ lục được xác lập trên sàn HoSE hôm 20/8 với hơn 1,2 tỉ cổ phiếu giao dịch, tương đương gần 38.350 tỉ đồng.

Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 40.965 tỷ đồng, tăng gần 17% so với phiên cuối tuần. Đây cũng là phiên giao dịch có thanh khoản cao thứ hai trong lịch sử giao dịch.

Sau ba phiên mua ròng, khối ngoại đã lựa chọn trở lại bán ròng trong phiên hôm nay, đặc biệt là ở cổ phiếu HPG. Giá trị bán ròng cổ phiếu ông lớn Hòa Phát lên tới 225 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu khác cũng bị bán ròng trên trăm tỷ như NLG, SSI, MSN và VNM. Ở chiều ngược lại, CTG là cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại giải ngân nhiều nhất (57 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số sàn HoSE phiên này.

Dòng chứng khoán hút dòng tiền, nhóm ngân hàng vẫn đi ngang

Hưởng lợi trực tiếp từ sự sôi động của thị trường, dòng cổ phiếu chứng khoán đang hút dòng tiền của các nhà đầu tư và trở thành tâm điểm chú ý trong phiên hôm nay. Trừ HBS và EVS đi ngang, các cổ phiếu chứng khoán khác đều tăng giá, trong đó, phần lớn tăng trên 3% và có tới 9 cổ phiếu tăng trên 6%. BSI và TVS xác lập kỷ lục giá mới. Cổ phiếu của VCSC (VCI) tăng hơn 6% và nằm trong top 3 cổ phiếu tác động tích cực đến VN-Index phiên này.

Trong khi đó, cùng trong nhóm tài chính, sắc đỏ vẫn áp đảo tại dòng cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của “ông lớn” đứng đầu về vốn hóa ngành này là Vietcombank giảm hơn 1%. Chỉ một số ít cổ phiếu nhà băng tăng trên 1 % gồm BAB (1,36%), LPB (+1,69%), SHB (+1,97%), CTG (+2,2%), MSB (+2,4%), EIB (+3,56%).

Phiên giao dịch đầu tháng 11 cũng chứng kiến sự hồi phục trở lại của cổ phiếu nhóm thủy sản, săm lốp, nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhóm vật liệu xây dựng quay đầu điều chỉnh. Cổ phiếu thép tuần qua hưởng lợi nhờ các thông tin tài chính tích cực từ kết quả kinh doanh quý III. Tuy vậy, việc giá thép thế giới đang ở vùng đáy 3 tháng cũng phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Vingroup: Vốn chủ sở hữu đạt 164.297 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Vingroup lãi ròng 3.193 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2021 đã tăng 21% lên 164.297 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư