Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc mở rộng sang thị trường nước ngoài
Thùy Vinh - 16/07/2024 16:07
 
Nghiên cứu của Ngân hàng UOB cho thấy, Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong 3 năm tới.

Triển vọng năm 2024 vẫn tích cực, dù lạm phát cao khiến chi phí cung ứng tăng

Theo UOB, bất chấp những bất ổn đang diễn ra như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn cầu chững lại, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn duy trì sự ổn định.

Khu vực này sẽ tiếp tục phát triển trong nền kinh tế thế giới với nền tảng vững chắc được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, lực lượng lao động trẻ và năng động, khả năng kết nối ngày càng tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng với triển vọng tích cực vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng của UOB cho Việt Nam trong năm nay là 6,0%, phù hợp với mục tiêu của Chính Phủ là 6-6,5%.

Nghiên cứu của UOB cho thấy, có gần 90% doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Trước bối cảnh đó, Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 của UOB đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp (SME & Doanh nghiệp lớn) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.

"Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó ASEAN là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp nhắm đến để mở rộng kinh doanh trong ba năm tới (tính đến năm 2026)", báo cáo UOB đưa ra.

Theo các chuyên gia phân tích của UOB, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2023 nhưng triển vọng năm 2024 vẫn tích cực.

Mặc dù tâm lý kinh doanh nhìn chung là tích cực, nghiên cứu cho thấy có sự sụt giảm trong số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam đạt mức doanh thu tăng trong năm 2023 so với năm trước. Lạm phát cao, giá cả hàng hóa bất ổn và sự phục hồi sau suy thoái kinh tế là ba yếu tố vĩ mô hàng đầu tác động đến doanh nghiệp trong năm 2023.

UOB cho rằng, lạm phát cao cũng khiến chi phí cung ứng của gần 50% doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cao trong năm 2023, trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô.

Để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp xây dựng một kế hoạch thận trọng trong đó kết hợp giữa các biện pháp ngắn hạn như giảm chi phí và các biện pháp dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1 đến 3 năm tới.

"Mặc dù căng thẳng địa chính trị đã tác động đến chuỗi cung ứng của gần 50% doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, tuy nhiên nghiên cứu cũng cho thấy một xu hướng tích cực khi số lượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi vấn đề này đã giảm đi so với một năm trước", UOB đưa ra nhận định.

Về triển vọng trong tương lai, gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng triển vọng vào năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.

Mở rộng kinh doanh ra nước ngoài để tăng doanh thu và cải thiện lợi nhuận

Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.

Khi nhìn vào các khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7 trên 10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của UOB, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do một số rào cản chính như: Thiếu khách hàng tại (các) thị trường mới (41%); Thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%); Khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%).

Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu.

Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%). Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Là ngân hàng hàng đầu ASEAN với 30 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi có vị thế thuận lợi để kết nối các doanh nghiệp địa phương với các cơ hội trong khu vực và ngược lại. Với những hiểu biết sâu rộng về thị trường và chuyên môn vững chắc trong từng lĩnh vực, cùng với mạng lưới sâu rộng trong khu vực và hệ sinh thái đối tác rộng lớn, chúng tôi có khả năng giúp các doanh nghiệp định hướng trong bối cảnh phức tạp của thị trường và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ở khu vực ASEAN và hơn thế nữa”.

Doanh nghiệp cần tăng ngân sách cho số hóa

Nghiên cứu Triển vọng Doanh Nghiệp năm 2024 của UOB cũng cho thấy, gần 9 trên 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực. Hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024, với hầu hết ngân sách đều tăng từ 10-25%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UOB, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu.

Các doanh nghiệp cho biết họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế/hoàn thuế, giúp kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ phù hợp cũng như có các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa.

Nhận thức cao về tính bền vững nhưng cần nhiều hỗ trợ hơn để thúc đẩy quá trình thực hiện. Tính bền vững được 94% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam đánh giá là quan trọng. Tuy nhiên, chỉ có 45% đã triển khai các hoạt động bền vững vào năm 2023.

Hơn một nửa số doanh nghiệp nhận thấy giá trị của việc áp dụng tính bền vững để nâng cao danh tiếng, xây dựng thương hiệu tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các rào cản hàng đầu cản trở việc áp dụng tính bền vững nhiều hơn bao gồm thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho năng lượng tái tạo (38%), thiếu các lựa chọn tốt về tài chính bền vững (34%) và lo ngại về tác động tiêu cực đến lợi nhuận (34%).

“Các thông tin giá trị từ Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp giúp chúng tôi hiểu doanh nghiệp cần những gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang tính bền vững. Bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính xanh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết nối họ với các đối tác phù hợp trong hệ sinh thái khu vực của chúng tôi và tạo điều kiện để họ tiếp cận, học hỏi từ các bài học thành công của các doanh nghiệp cùng ngành, UOB đang giúp thúc đẩy các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng nhanh hơn và rộng rãi hơn các giải pháp bền vững. Nỗ lực của chúng tôi đang hoàn toàn phù hợp và đi cùng hướng với các chương trình bền vững của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, ông Lim Dyi Chang chia sẻ.

Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2024 nhằm tìm hiểu triển vọng kinh doanh và những kỳ vọng chính của các doanh nghiệp SME và doanh nghiệp lớn trên bảy thị trường ở ASEAN và Trung Quốc Đại lục – Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam: Nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư