Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
UOB: Triển vọng phía trước tích cực nhưng thận trọng
Thùy Vinh - 03/07/2024 09:46
 
Với kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II/2024 cao hơn kỳ vọng của UOB và thị trường, đồng thời tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng.

Đà tăng trưởng kéo dài sang quý II/2024
 
Dữ liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố vào ngày 29/6/2024 cho thấy, GDP thực tế của Việt Nam tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024, tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% so với cùng kỳ (đã đươc điều chỉnh tăng so với công bố trước đó) trong quý I/2024 và mức tăng 6,72% so với cùng kỳ trong quý IV/203 và vượt qua mức tăng 4,05% trong cùng quý vào năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài phần lớn nhìn nhận tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam trong những năm tới, vượt qua những chuyển động chính trường xuất hiện trong nước vào đầu năm 2024.

UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký từ đầu năm đến tháng 6 đã tăng 13,1% so với cùng kỳ lên 15,2 tỷ USD, sau mức tăng 13,4% trong Quý 1 năm 2024. Singapore là nguồn vốn đầu tư lớn nhất với 5,6 tỷ USD, vượt xa Nhật Bản (1,7 tỷ USD), Đặc khu hành chính Hồng Kông (1,7 tỷ USD) và Hàn Quốc (1,4 tỷ USD). Lĩnh vực sản xuất và chế biến chiếm phần lớn đầu tư trong quý II/2024 với tỷ trọng 70,4% so với 63% trong Quý 2 năm 2023, tiếp theo là bất động sản (16,3%) và bán buôn & bán lẻ (4%).

Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam từ đầu năm đến tháng 6/2024 đạt 10,8 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong Quý 1 năm 2024.

UOB cũng lưu ý rằng ,dòng vốn FDI thực tế vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD từ 27,7 tỷ USD năm 2022, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.

Những dữ liệu FDI này cho thấy: i) các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã bỏ qua những chuyển động chính trường vào đầu năm 2024 và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc.

Sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong các quý tới, bao gồm cả xây dựng và việc làm và sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.

"Kết quả về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay cũng gây bất ngờ so với kỳ vọng của chúng tôi và thị trường là 6,0%, khi cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quý. Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả khả quan này tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy khó khăn và thử thách" UOB đưa ra nhận định. 

Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB đưa ra nhận định, cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục hỗ trợ phần lớn hoạt động kinh doanh, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ trong quý II/2024. Sự gia tăng doanh số ngành hàng bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy động lực này có thể sẽ tiếp tục hơn nữa trong 1-2 quý tới. 

Triển vọng phía trước vẫn tích cực nhưng thận trọng hơn

Với kết quả hoạt động trong quý II/2024 cao hơn kỳ vọng của chúng tôi và thị trường cũng như tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của UOB lưu ý rằng, nửa cuối năm 2024 có thể sẽ chứng kiến hiệu quả hoạt động trầm lắng hơn.

Nguyên nhân, do bị ảnh hưởng bởi cơ sở dữ liệu cao hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như những rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine và ở Trung Đông giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn các thị trường năng lượng và thương mại toàn cầu.

Nhưng theo các nhà phân tích của UOB, sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ hỗ trợ cho triển vọng của Việt Nam. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là 6,0-6,5%.

GDP thực tế của Việt Nam tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024.

Mặc dù Việt nam có một số thay đổi gần đây trên chính trường, chính sách dài hạn chào đón và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp lâu nay của Việt Nam dường như sẽ được giữ nguyên. "Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,0% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6,0-6,5%", báo cáo UOB đưa ra. 

CPI tăng quý thứ 5 liên tiếp, NHNN giữ lãi suất ổn định
 
Về lạm phát, sự phục hồi của chi tiêu trong nước đã gây áp lực lên giá tiêu dùng, khiến chỉ số CPI toàn phần của Việt Nam tăng trong quý thứ 5 liên tiếp, lên 4,39% so với cùng kỳ trong quý II/2024 (3,77% trong quý quý I/2024), tiến gần đến ngưỡng trên của ngân hàng trung ương là 4,50%.

Trái ngược với lạm phát toàn phần, CPI cơ bản (trừ thực phẩm, năng lượng và hàng hóa do các cơ quan nhà nước quản lý như giáo dục và dịch vụ y tế) đã giảm tốc trong quý 5 xuống còn 2,69% so với cùng kỳ (từ 2,81% trong quý I/2024).

GSO cho rằng, chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn phần, đặc biệt là do sự tăng giá của thịt lơn (do dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023), điện cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục. 

Trong tương lai, một yếu tố có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7 năm 2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5,88% vào tháng 7/2022. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu lần lượt là 7,3%, 6,5% và 5,3. % tương ứng vào các năm 2017, 2018 và 2019. 

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích UOB, sự mất giá gần đây của VNĐ trước đồng USD mạnh lên và tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách.

Với lưu ý, đà tăng trưởng hiện tại có thể sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%.

Đồng thời, với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đi trước một bước bằng việc hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm, điều này có thể mở ra cơ hội cho NHNN đi theo xu hướng chung. Hiện tại, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, chính phủ đang tiếp tục tập trung vào các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

UOB: Lãi suất điều hành ổn định, tỷ giá có khả năng hồi phục
Đó là dự báo mới nhất vừa đưa ra của UOB trong báo cáo dự báo về tăng trưởng quý I/2024. Theo UOB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ lãi suất tái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư