Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Gần 90.000 lao động Việt Nam xuất ngoại
Hưng Anh - 30/07/2024 16:27
 
Số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2024 là 89.874 lao động, đạt 71,89% kế hoạch của năm. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá đây là “điểm sáng”.

Ngày 30/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chủ trì cuộc họp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Lao động bỏ trốn nhiều, giải pháp ra sao?

Nhiều vấn đề được đưa ratrong cuộc họp báo, trong đó nội dung về nguồn lao động được nhấn mạnh.

Với các con số được Bộ đưa ra theo thống kê: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm đã đánh giá được chất lượng nguồn lao động ngày càng được nâng cao. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112.800 người so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 119.600 doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110.300 doanh nghiệp.

Trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động. Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, đây là điểm sáng bởi với số lượng lao động này đã đạt 71,89% kế hoạch năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề hết sức nhạy cảm được đưa ra đó là cuối năm 2023 con số đưa ra hơn 46.000 lao động đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài và hơn 3.000 lao động sang Hàn Quốc không về nước, nhưng trước đó có tiền ký quỹ.

Trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động.

Trước tình trạng lao động bỏ trốn và lao động phá hợp đồng, Bộ sẽ xử lý và can thiệp ra sao? Phó cục trưởng Cục lao động ngoài nước, ông Phạm Viết Hương cho biết, tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp thì phía 2 chính chủ Việt Nam và Hàn Quốc đã họp và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Trước hết về số lượng lao động bỏ trốn đã giảm dần theo lộ trình mà 2 nước đã đề cập đến. Nhiều giải pháp đã được hai nước triển khai từ năm 2016 đến nay. Ví dụ giáo dục nhận thức để lao động hiểu quyền lợi và trách nhiệm của việc phải thực hiện đúng điều khoản trong hợp đồng lao động. Và thực hiện việc phải “ký quỹ”, trong trường hợp bỏ ngang hợp đồng thì bị xử lý khoản tiền ký quỹ đó. Hoặc là phía nước ngoài cũng đề cập hạn chế tuyển chọn lao động ở một số địa phương và tăng cường công tác kiểm tra lao động hợp pháp và các đơn vị sử dụng lao động hợp pháp. 

Theo ông Phạm Viết Hương, cứ 2 năm một lần, 2 nước lại ký Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS). Biên bản này nhằm rà soát và góp phần giảm thiểu số lượng lao động bỏ trốn xuống đáng kể qua các năm.

Với thị trường Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn cũng giảm dần, chủ yếu do đồng yên mất giá. Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết đã có sự liên lạc kịp thời với phía Nhật Bản có các chính sách hỗ trợ cho người dân lao động về tiền sinh hoạt vì đồng tiền mất giá.

Hoàn thành điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng

Vấn đề tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng là “điểm nóng” thu hút sự quan tâm của xã hội trong thời gian qua.

Về cơ bản, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Ước tính đến hết tháng 6 năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 18,3 triệu người, chiếm 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/ tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng, số người quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 466.000 người, giảm 10,1% so với cùng kỳ, trên 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Phía Bộ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.

Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Vấn đề an toàn lao động cũng được đưa ra (theo báo cáo chưa đầy đủ) tính từ đầu năm 2024 đến ngày 25/7/2024 cả nước đã xảy ra 79 vụ tai nạn làm 101 người chết, 31 người bị thương. Tính đến tháng 7 năm 2024, cả nước có 154.268 lao động nước ngoài đang làm việc. Bộ cũng đề cập mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, là mức cao nhất trong 20 năm qua.

Việc thực hiện chi trả trợ cấp trong 6 tháng đầu năm là 1.091.324 người với kinh phí khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng. Làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa… Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 590/QĐ-CTN tặng quà tới gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Bên cạnh đó các vấn đề về công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em và bình đẳng giới cũng được triển khai sâu rộng với các giải pháp cụ thể. Ngoài ra, Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai 798 cuộc thanh tra; ban hành 2.247 kiến nghị, 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 4,16 tỷ đồng; thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 1.819 đồng. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động rà soát vốn, ký quỹ… trước ngày 1/1/2023
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ rà soát, báo cáo đáp ứng điều kiện hoạt động đưa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư