Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 29 tháng 10 năm 2024,
Gánh nặng bệnh viêm gan tại Việt Nam
D.Ngân - 28/10/2024 21:21
 
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C thường không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến. Nguyên nhân, do bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan.

 Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư là từ 8 - 25% đối với virus viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện..

Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 người trường hợp.

Ngoài tác nhân virus (A, B, C...), tỷ lệ viêm gan do bia rượu, thuốc đông tây y, thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường… đang ngày càng tăng mạnh.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và gần một triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong khi các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, tỷ lệ này rất thấp nhờ chiến dịch tiêm phòng hàng chục năm qua.

Theo các chuyên gia, viên gan B, C là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại nước ta. Hiện, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư gan ở Việt Nam chiếm hàng đầu với trên 25.000 ca mắc mới và tử vong mỗi năm.

Viêm gan do virus có 4 loại, gồm A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.

Điều nguy hiểm là trong giai đoạn đầu, viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất ít trường hợp được phát hiện sớm.

Tình trạng viêm kéo dài khiến tế bào gan bị hư hại, hình thành các mô sẹo gây xơ gan, kết hợp với các tác nhân khác sẽ dẫn tới ung thư gan.

Các biến chứng của viêm gan thường đến sớm và nhanh nếu bệnh nhân đồng thời có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên như nhiễm siêu vi và lạm dụng rượu bia.

Các chuyên gia y tế lo ngại, viêm gan B và viêm gan C rất dễ lây truyền trong cộng đồng, đều lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con.

So với virus viêm gan B thì virus viêm gan C lây truyền chậm hơn và ít biểu hiện hơn, nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Ba biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm gan C chính là suy gan, xơ gan và ung thư gan. Người bệnh có thể bị tử vong từ 1 trong 3 biến chứng trên.

Đáng lo là phần lớn người mắc viêm gan C mạn tính không có triệu chứng cơ bản, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng.

Việc điều trị viêm gan B lâu dài, tốn kém, tuy nhiên có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin khỏi các biến chứng xơ gan, ung thư gan với tỉ lệ tới 95%.

Viêm gan B đã có vắc-xin phòng bệnh và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm qua, nhưng tỷ lệ mắc bệnh của người dân Việt Nam vẫn rất cao, số ca mắc mới hằng năm vẫn lớn.

Theo các chuyên gia dịch tễ, ngoài trẻ sơ sinh, vẫn còn nhiều trẻ em, người trưởng thành, người lớn chưa tiêm vắc-xin viêm gan B, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua.

PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hằng ngày Trung tâm ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết mình bị nhiễm viêm gan B, vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi tới viện là đã vàng mắt, vàng da, có biến chứng xơ gan, suy gan cấp, thậm chí ung thư gan.

Đáng chú ý, có những người trẻ chủ quan với căn bệnh này, khi phát hiện bệnh đã không điều trị, hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, một thời gian thấy đỡ đã bỏ thuốc.

Bệnh nhân viêm gan B nếu được theo dõi tốt, tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ, bệnh sẽ ổn định, nguy cơ xơ gan, ung thư gan rất thấp, cơ hội cứu sống tính mạng càng cao.

Phát hiện sớm ung thư gan đối với nhóm nguy cơ cao (trong đó có viêm gan B) là một giải pháp giúp giảm gánh nặng ung thư biểu mô tế bào gan.

Khi được phát hiện sớm, các liệu pháp điều trị hiệu quả như phẫu thuật cắt gan, ghép gan, xạ trị trong chọn lọc (SIRT), liệu pháp miễn dịch, liệu pháp đích… đã cải thiện đáng kể thời gian sống còn toàn bộ của bệnh nhân.

Tuy nhiên, những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn bệnh tiến triển và muộn, bệnh có tiên lượng xấu và thời gian sống còn toàn bộ rất hạn chế.

Để phòng bệnh và quản lý theo dõi, điều trị tốt bệnh viêm gan B, khuyến cáo, người dân cần chủ động đi xét nghiệm, sàng viêm gan B xem có bị mắc viêm gan B không để còn có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị.

Nếu người bệnh đã có bệnh về gan thì tuyệt đối không được dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ đặc biệt là thuốc Nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện bị viêm gan B cần phải theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sỹ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.

Ngoài tiêm phòng, viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể

Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách

Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay, quan hệ tình dục an toàn.

Với câu hỏi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B có cần xét nghiệm kháng thể để xem hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, bác sỹ Hải cho rằng, điều này không cần thiết.

Sở dĩ như vậy là do, theo chuyên gia, việc xét nghiệm này không có ý nghĩa chứng minh là vắc-xin có hiệu quả hay không bởi vắc-xin một khi đã tiêm là có hiệu quả bảo vệ.

“Suy nghĩ nếu xét nghiệm có kháng thể thì chứng minh vắc-xin có hiệu quả và ngược lại vắc-xin không có hiệu quả là không đúng”, bác sỹ Tuấn Hải nêu.

Tử vong vì chữa viêm gan B bằng thuốc Nam không rõ nguồn gốc
Sau thời gian chữa viêm gan B bằng thuốc Nam, chức năng gan của người bệnh chỉ còn đạt được 13,6%, hôn mê sâu và đã không qua khỏi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư