Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Gánh nặng nợ - lỗ đè trên vai nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Hà Nguyễn - 24/10/2019 09:19
 
Là các “quả đấm thép” của nền kinh tế, nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh không hiệu quả, mắc nợ lớn và lỗ kéo dài.
.
.

Nhiều quả đấm thép lỗ ngàn tỷ

Bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đã được “vẽ” khá đầy đủ tại Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc, mà Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội.

Và một thông tin khá quan trọng, đó là năm 2018, đã có 110/885 doanh nghiệp có vốn nhà nước (trong đó có 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước) kinh doanh thua lỗ, chiếm 13%.

Điều đáng chú ý, số thua lỗ này tập trung khá lớn ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các công ty mẹ, công ty con, mặc dù nhóm này chỉ có tổng cộng 80 doanh nghiệp. Rất nhiều tên tuổi đã được nhắc tới trong báo cáo của Chính phủ hoặc có doanh thu và lợi nhuận lớn, hoặc có thua lỗ kéo dài.

Nằm trong nhóm có lợi nhuận trước thuế cao có Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (37.202 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (28.799 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (6.663 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông Mobifone (5.877 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (4.372 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (3.072 tỷ đồng)…

Trong khi đó, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã lỗ phát sinh trên 124 tỷ đồng trong năm qua. Con số của Tổng công ty 15 là trên 184 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu lỗ phát sinh lên tới 989 tỷ đồng.

Lỗ phát sinh chỉ vậy, song lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty cho đến nay khá lớn. Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, thì Tổng công ty Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế lên tới 2.516 tỷ đồng. Con số của Tổng công ty Cà phê là 556 tỷ đồng, của Tổng công ty 15 là gần 746 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu lỗ lũy kế lên tới hơn 5.000 tỷ đồng…

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, năm 2018, các tập đoàn, tổng công ty ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng 9% so với thực hiện năm 2017, đạt 1.420.911 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo của các công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 859.891 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2017. Doanh thu tăng cao hơn, nhưng theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lãi phát sinh trước thuế chỉ đạt 152.168 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2017.

Thậm chí, khá nhiều doanh nghiệp, chủ yếu kinh doanh trong các lĩnh vực cấp nước, công nghiệp, nông nghiệp, dược, đầu tư tài chính…, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn cả lãi suất huy động của ngân hàng (lãi suất bình quân năm là 6,8%)…

Con số thống kê cho thấy, báo cáo hợp nhất, có 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lỗ lũy kế hơn 9.000 tỷ đồng; 4 công ty mẹ lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,45 triệu tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.        

Đầu tư ra nước ngoài cũng lỗ lớn

Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội, đó là tính đến ngày 31/12/2018, có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có dự án đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp này đã thực hiện đầu tư 114 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 11,96 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 3 đơn vị đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, với tương ứng số vốn đăng ký là 6,677 tỷ USD, 2,99 tỷ USD và gần 1,43 tỷ USD.

Trong đó, riêng trong năm 2018, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài 194 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là trên 5,8 tỷ USD, bằng 48,62% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi được 559 triệu USD. Trong đó, thu hồi vốn đầu tư là 333 triệu USD, lợi nhuận chuyển về nước là 212 triệu USD, phần còn lại là thu lãi từ việc cho các dự án tại nước ngoài vay vốn. Như vậy, lũy kế đến ngày 31/12/2018, đã có 6/19 doanh nghiệp thu hồi được vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài, với số tiền gần 2,6 tỷ USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.

Tuy nhiên, năm 2018, trong số 114 dự án đầu tư ra nước ngoài, chỉ có 84 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận, với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm là 4,158 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2017. Trong khi đó, tổng lợi nhuận của các dự án có lãi chỉ là 187 triệu USD, giảm 24% so với năm 2017.

Điều đáng nói, tổng số lỗ phát sinh trong năm của các dự án báo lỗ đã lên tới là 367 triệu USD, tăng 265% so với năm 2017. Trong đó, số lỗ phát sinh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su là 7,7 triệu USD, do giá cao su tự nhiên thế giới sụt giảm sâu và ảnh hưởng của việc các quốc gia sở tại thay đổi chính sách đầu tư, đất đai.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan chung dẫn đến kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chưa đạt như kỳ vọng là khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế.

Còn hiện tượng tham nhũng, “sân trước, sân sau”, thậm chí “vườn sau” trong DNNN
Nhận xét về những vấn đề còn tồn tại ở khối DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần chú ý khắc phục để làm sao DNNN cùng với hệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư