Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gạo Việt Nam lên kệ siêu thị E.Leclerc, Pháp
Thế Hải - 04/09/2022 08:45
 
Lần đầu tiên sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp và xuất hiện tại hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp.
Gạo Việt Nam lần đầu lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp
Gạo Việt Nam lần đầu lên kệ siêu thị E.Leclerc của Pháp.

Lần đầu tiên sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới người tiêu dùng Pháp và xuất hiện tại hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước quan trọng đối với ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam mà còn là một bước tiến của Việt Nam kể từ sau hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi từ tháng 8/2020.

Trước đó, tháng 9/2020, Lộc Trời cũng là doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đơn hàng đầu tiên theo hiệp định EVFTA sang thị trường châu Âu.

Gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được nhập khẩu qua TT foods.

Đợt này, khoảng 860 tấn gạo Jasmin sẽ được bán trên toàn hệ thống của của E.Leclers cho phân khúc vừa, trong thời gian tới TT foods và E.Leclerc dự kiến sẽ nhập gạo chất lượng cao hơn để phục vụ phân khúc cao trong tuần hàng Việt Nam vào tháng 11 và dịp Tết Nguyên đán.

Để hạt gạo Việt Nam vào được thị trường Pháp, trong hệ thống bán lẻ  E.Leclerc đã phải trải qua một quá trình dài từ xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch đầu tư vùng trồng, cho tới thương thảo hợp đồng và chính thức lên kệ tại Pháp kéo dài gần 2 năm, với sự đồng hành của Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp và sự nỗ lực không của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, cách đây 2 năm, Lộc Trời là đơn vị xuất khẩu gạo đầu tiên vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, nhưng đây là lần đầu tiên gạo Lộc Trời lên kệ trong hệ thống các siêu thị E.Leclerc tại Pháp.

"Sau hai năm doanh nghiệp đã đạt được sự tin cậy tín nhiệm của các nhà phân phối và bán lẻ để có thể trực tiếp đưa sản phẩm lên kệ hàng các siêu thị tại Paris. Đây là một thành công và cũng là sự ghi nhận công sức của bà con nông dân Việt Nam, đã sản xuất và xuất khẩu được loại gạo vừa ngon, vừa đạt chất lượng của châu Âu", ông Thuận nói.

Với những đơn hàng lớn được đặt trước từ trên 1 năm, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Lộc Trời sẽ phối hợp sản xuất quy mô lớn một cách đồng bộ nhằm đảm bảo cam kết chất lượng sản phẩm cao nhất để xuất khẩu.

Gạo Việt vào được hệ thống siêu thị E.Leclerc là bởi sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng, hương vị và giá cả. Sau sự mở đầu này, nhiều cơ hội lớn sẽ tới với hạt gạo Việt tại thị trường Pháp và nhiều quốc gia châu Âu.

Với gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp thuộc hệ thống phân phối Carrefour và E.Leclerc, đây là những bước tiến đầu tiên, mang tính lâu dài và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu  trên trường thế giới.

Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vốn là những thị trường khó tính với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Việc đưa hàng hóa của Việt Nam dần tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài, tới tay người tiêu dùng bản địa, dưới thương hiệu Việt Nam là phương thức hiệu quả, bền vững đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”.

Lộc Trời có năng lực vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu long có công suất sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát gạo hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa khô, áp dụng quy trình quản lý chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, HALAL, HACCP và SMETA… phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu tiêu chuẩn cao như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư