Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
GDP giảm tốc, tức tốc xây dựng kịch bản mới cho nền kinh tế
Mạnh Bôn - 25/03/2016 17:14
 
Bức tranh tổng thể của nền kinh tế quý I/2016 vừa được công bố cho thấy không mấy sáng sủa, ngay lập tức, Tổng cục Thống kê xây dựng 2 kịch bản cho nền kinh tế năm 2016.

Cụ thể, trong quý I/2016, GDP (theo giá so sánh năm 2010) tăng 5,46% so với cùng kỳ năm 2015.

“Tốc độ tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của cùng kỳ năm 2011; chỉ cao hơn năm 2012 năm 2013 và năm 2014”, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ thống kê Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thông báo.

“Điều này cho thấy, nền kinh tế vừa lấy lại được đà tăng trưởng trong quý IV/2015 lại gặp những khó khăn nhất định”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

.
GDP giảm tốc là do 2 trong 3 trụ cột (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp) tăng trưởng thấp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2016, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng tăng 6,72%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% (lần đầu tiên tăng trưởng âm). Duy nhất chỉ có khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, tăng 6,13% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 6,77% của cùng kỳ năm 2015. Trong khu vực dịch vụ, mặc dù chỉ tăng 3,34%, nhưng hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn được coi là đạt mức tăng trưởng ấn tượng, bởi cùng kỳ năm 2012 chỉ tăng 0,7%; năm 2013 tăng 1,73%; năm 2014 tăng 2,38% và năm 2015 tăng 2,55%.

Trả lời Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn liên quan đến GDP tăng trưởng thấp và dự báo GDP năm 2016, ông Hà Quang Tuyến cho rằng, GDP tăng trưởng thấp là do 2 trong 3 trụ cột (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp) tăng trưởng thấp.

“Nông nghiệp tăng trưởng thấp chủ yếu là do trồng trọt gặp nhiều khó khăn do hệ quả của hiện tượng El Nino hoạt động mạnh từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại không chỉ khiến các tỉnh miền núi phía Bắc bị rét buốt, băng giá, mà còn khiến tất cả các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn tới trồng trọt; đánh bắt và nuôi trồng thủy sản”, ông Tuyến giải thích.

Năm 2015, tốc độ tăng GDP đạt 6,68% nên kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7% được xem là rất khiêm tốn. Tuy nhiên, sau 1/4 thời gian thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù là quá sớm để đưa ra dự báo, song ông Tuyến cho rằng, ngay cả mục tiêu tăng trường GDP đạt 6,7% cũng… hơi khó.

“Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, thì ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng tối thiểu 2,5%. Đạt được tốc độ tăng trưởng này là quá khó vì 3 tháng đầu năm giảm 1,23%”, ông Tuyến nói.

Ngoài tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp phải đạt tối thiểu 2,5%, theo ông Tuyến, để GDP năm nay tăng trưởng 6,7% như nghị quyết của Quốc hội thì lĩnh vực công nghiệp phải bứt phá. Tuy nhiên, điều này cũng hết sức khó khăn, vì trong 3 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chỉ tăng trưởng 6,2% thấp rất xa so với tốc độ tăng trưởng 9,27% của cùng kỳ năm 2015 do hai ngành công nghiệp chủ lực là khai khoáng và chế biến, chế tạo sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý I/2016, ngành công nghiệp khai khoáng chỉ đạt 98,8% so với cùng kỳ năm 2014. Mà nguyên nhân chính là do sản lượng dầu thô khai thác chỉ dạt 96,3% so với 3 tháng đầu năm 2015. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,9% kém xa so với mức tăng trưởng 9,7% của quý 1/2015.

Với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa này, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện Tổng cục Thống kê đã xây dựng 2 kịch bản cho nền kinh tế năm 2016 để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Hai kịch bản mà chúng tôi xây dựng hiện mới chỉ ở mức độ sơ khai, cần phải có ý kiến đóng góp của các bộ ngành, chuyên gia kinh tế. Nhưng dù kịch bản nào đi chăng nữa, nếu năm nay khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản không đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch thì GDP rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% vì khu vực này chiếm 18% trong GDP”, ông Lâm nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Lâm, bức tranh kinh tế quý I đã lộ rõ tăng trưởng GDP thấp, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, xuất khẩu hàng hóa tăng chậm, nhập khẩu hàng hóa giảm, thu chi ngân sách nhà nước gặp khó khăn…

“Những chỉ báo này cho thấy việc thực hiện các mục tiêu của năm 2016 là hết sức khó khăn. Chưa hết, 3 quý còn lại của năm nay, nền kinh tế nước ta sẽ có những khó khăn và thách thức phải đối mặt đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và thời tiết diễn biến không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; giá dầu thô diễn biến khó lường và giao dịch ở mức thấp; điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng lại không kích thích sản xuất, ngược lại còn làm giảm tăng trưởng kinh tế”, ông Lâm dự báo.

World Bank dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam đạt 6,6%
Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 2/12 nhận định, kinh tế Việt Nam đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư