Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Giá dầu có thể xuống 15 USD/thùng
Anh Trung - 27/01/2016 08:25
 
Giá dầu đã ở dưới mức 30 USD/thùng trong nhiều ngày của tháng 1/2016 và chưa thấy tín hiệu quay đầu trở lại. Giá dầu năm 2016 sẽ ra sao là nội dung trao đổi của phóng viên Báo Đầu tư với TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia).
TIN LIÊN QUAN

Giá dầu thế giới liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Vậy diễn biến tiếp theo của giá dầu thế giới trong thời gian tới sẽ theo hướng nào, thưa ông?

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 15/1, giá dầu thế giới đã sụt xuống mức 26 USD/thùng, mức suy giảm cực kỳ sâu. Với các diễn biến liên quan đến việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ như hiện nay, giá dầu thế giới có thể còn giảm sâu, có thể dao động trong khoảng 15 - 25 USD/thùng trong năm 2016.

.
.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá dầu giảm sâu?

Xét trên quan hệ cung - cầu của mặt hàng dầu thô thì nguồn cung hiện nay đang ở mức dư thừa, đặc biệt là với sự tham gia của Mỹ. Mới đây, Quốc hội Mỹ đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu ra thế giới, mở đường cho xuất khẩu mặt hàng này, cộng thêm việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến, nên trong thời gian sắp tới, thị trường dầu thô thế giới sẽ đón nhận một lượng cung rất lớn từ Mỹ.

Điểm thứ hai tác động đến nguồn cung của thị trường dầu thô thế giới là việc Mỹ vừa bỏ cấm vận đối với Iran. Điều này đồng nghĩa Iran tham gia trở lại thị trường dầu thế giới và sẽ cung ứng một lượng dầu ít nhất bằng mức trước khi bị cấm vận. Trong năm 2016, Iran được dự báo sẽ góp phần làm cho mặt hàng dầu thô càng trở nên dư thừa.

Thứ ba, hiện nay Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thay đổi chính sách, cho phép thị trường tự quyết định giá dầu thay vì sử dụng sản lượng khai thác để điều tiết giá như trước đây. Các nước dẫn đầu OPEC, đặc biệt như Arab Saudi và các đối tác của họ ở vùng Vịnh đang thực hiện tối đa hóa việc khai thác nhằm giữ vững thị phần của mình. Đặc biệt, các nước này đang có chiến lược cạnh tranh để triệt hạ dầu đá phiến của Mỹ, do vậy, dù giá dầu giảm sản lượng dầu khai thác vẫn tiếp tục tăng.

Còn xét trên yếu tố cầu, có thể thấy nhu cầu mặt hàng này phụ thuộc vào tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tăng trưởng kinh tế thế giới đang rất mong manh, đặc biệt với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế thứ hai thế giới này sẽ không còn giữ được tốc độ tăng trưởng phi mã như trong thập kỷ qua, mức tăng trưởng có thể giảm xuống 6,3-6,6% trong năm 2016. Mức giảm này ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Tương tự điều này cũng sẽ diễn ra với một số quốc gia và nền kinh tế khác.

Cung tăng mạnh trong khi lượng cầu giảm đã tác động trực tiếp đến giá dầu thế giới. Đây là nguyên nhân chủ yếu tác động tới việc giá dầu sụt giảm trong thời gian qua và có thể là trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc sụt giảm giá dầu thế giới tới kinh tế Việt Nam?

Đối với kinh tế Việt Nam, giá dầu giảm sẽ có tác động 2 chiều. Mặt tích cực là giá dầu thế giới giảm sẽ kéo theo mức giảm của giá dầu trong nước, dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi và qua đó ngân sách quốc gia cũng được hưởng lợi. Trong thời gian qua, có thể thấy với sự điều hành của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính và Bộ Công thương, bằng các chính sách điều tiết giá giá xăng dầu trong nước và chế tài yêu cầu các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, logicstic phải giảm giá cước đã giúp cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm. Từ đó kích thích khu vực kinh tế thực, đóng góp nhiều cho tăng trưởng, thu thuế từ khu vực doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Còn xét mặt tiêu cực, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, do vậy, giá dầu thế giới sụt giảm đồng nghĩa với việc thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô cũng sụt giảm. Tuy nhiên theo tôi, điều này không đáng lo ngại. Nếu như trước kia thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 18-20% ngân sách nhà nước thì trong năm 2015, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô chỉ còn chiếm khoảng 6% theo báo cáo của Bộ Tài chính. Nghĩa là, mức độ tác động không còn lớn như trước. Cũng theo Bộ Tài chính, phần hụt thu từ xuất khẩu dầu thô cũng đã được bù đắp bằng thu thuế doanh nghiệp và năm 2015 thu ngân sách còn tăng so với dự kiến.

Điều đáng lo nhất là với chiều hướng như hiện nay, giá dầu giảm sâu sẽ tác động đến các nền kinh tế thu nhập chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu như Nga, Nauy, các nước Trung Đông, các nước châu Phi… Khi thu nhập của họ giảm đi thì nhu cầu đối với hàng hóa của các nền kinh tế phát triển cũng sẽ giảm đi, do vậy sẽ có tác động trực tiếp đến sản xuất của các nền kinh tế phát triển. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, và tất nhiên nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, với việc giá dầu thế giới giảm sâu như dự báo, theo ông liệu Việt Nam có phải đóng cửa một số giếng dầu hay không?

Bên cạnh một số giếng dầu có chi phí khai thác cao, đa số giếng dầu ở Việt Nam chi phí khai thác nằm ở mức trung bình và thấp. Nếu giếng dầu nào có chi phí khai thác cao hơn giá dầu thế giới, thu không đủ bù chi thì có thể tạm dừng khai thác.

Do nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô chỉ còn chiếm 6%, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc điều tiết khai thác dầu.

Với khả năng giá dầu tiếp tục giảm sâu trong năm 2016, đâu sẽ là biện pháp đối phó hữu hiệu tình trạng này?

Khi chi phí đầu vào đã giảm, chúng ta cần nhân cơ hội này có những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ mạnh hơn ở khu vực kinh tế thực, thúc đẩy họ tăng trưởng và phát triển, qua đó đóng góp cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đồng thời hệ thống thuế cần cải tổ từ Trung ương đến địa phương để tránh việc thất thu thuế. Khi mũi nhọn phát triển đã được giao cho khu vực doanh nghiệp cũng đồng nghĩa thuế sẽ là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư