Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Giá dầu quay đầu, hai tập đoàn Mỹ cắt sản lượng 400.000 thùng/ngày
Lê Quân - 04/05/2020 17:34
 
Giá dầu hôm nay 4/5 đảo chiều đi xuống sau một tuần tăng mạnh do lo ngại tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu vẫn kéo dài.
Khu vực khai thác dầu của công ty năng lượng Signal Hill Petroleum, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP
Khu vực khai thác dầu của công ty năng lượng Signal Hill Petroleum, bang California (Mỹ). Ảnh: AFP

Dầu thô WTI loại CLc1 giao kỳ hạn giảm còn 18,10 USD/thùng ngay đầu phiên 4/5. Tính đến 6:58 giờ GMT, giá dầu WTI loại CLc1 đã hồi phục về 18,77 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 5,1% so với tuần trước khi mà giá dầu loại này tăng 17%.

Trong khi đó, giá dầu thô Brent loại LCOc1 trượt nhẹ 0,4% về 26,34 USD/thùng. Tuần trước, dầu thô Brent ghi nhận mức tăng 23% sau 3 tuần mất giá liên tiếp.

“Triển vọng tăng trưởng toàn cầu càng trở nên mờ nhạt khi giá dầu đã đảo chiều nhờ đồng đô la Mỹ mạnh lên”, Michael McCarthy, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tư vấn tài chính CMC Markets (Anh) cho biết.

Đô la mỹ hôm nay tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác. Dầu mỏ thường được giao dịch bằng đô la Mỹ nên việc đồng bạc xanh mạnh lên khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn cho các nhà giao dịch dầu mỏ bằng đồng tiền khác.

Thị trường dầu mỏ đón những tín hiệu tích cực từ dịch Covid-19 khi số ca mắc bệnh đã giảm và hai “ông lớn” sản xuất dầu mỏ Saudi Arabia và Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng từ ngày 1/5.

Tại Mỹ, hai “đại gia” dầu mỏ Exxon Mobil và Chevron cũng tuyên bố mỗi tập đoàn giảm sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày trong quý II/2020.

Việc cắt giảm sản lượng của các “ông lớn” dầu mỏ cộng với động thái nới lỏng các biện pháp hạn chế kinh doanh ở một số bang của Mỹ và nhiều thành phố trên thế giới được kỳ vọng sẽ cứu vớt tình trạng dư thừa dầu mỏ hiện nay và giảm áp lực cho các cơ sở tích trữ dầu, đồng thời đẩy giá dầu đi lên.

Đáng nói hơn, các tín hiệu siết cung dầu mỏ xuất hiện cùng lúc các hợp đồng dầu Brent ở trạng thái bù hoãn mua (giá giao kỳ hạn cao hơn giá hiện tại) có chiều hướng thu hẹp.

Theo đó, giá dầu Brent loại LCOc1-LCOc7 giao kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh nhất trong tháng với mức chênh lệch âm hay gọi là chiết khấu được cải thiện đáng kể từ mức 14 USD cuối tháng 3 về 6,5 USD. Điều này cho thấy các nhà giao dịch kỳ vọng nhiều vào nỗ lực siết nguồn cung và tích trữ dầu đợi giá tăng.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước cho rằng “sai sót” của Trung Quốc là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lan rộng và dọa tăng thuế đối với Trung Quốc để trả đũa, làm dấy lên lo ngại căng thẳng thương mại sẽ ngáng chân phục hồi kinh tế và hậu quả trước mắt là giá dầu hôm nay 4/5 đảo chiều đi xuống.

Theo công ty tư vấn năng lượng Baker Hughes, tính riêng tuần qua các nhà khai thác dầu mỏ Mỹ đã đóng cửa 53 giàn khoan, đưa tổng số giàn khoan còn hoạt động tại Mỹ giảm còn 325, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016.

Giá dầu thô WTI xuống sát 10 USD/thùng
Giá WTI sáng nay có thời điểm giảm hơn 15% do lo ngại các kho chứa trên toàn cầu kín chỗ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư