Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giá dầu tiếp tục giảm, chứng khoán Nhật Bản vẫn tăng hơn 4%
Lê Quân - 06/04/2020 16:53
 
Thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận sóng tăng trong phiên giao dịch đầu tuần 6/4, mặc dù cuộc họp dự kiến giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bị hoãn.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản phiên chiều 6/4 tăng 4,24% và đóng cửa với 18.576,30 điểm. Ảnh: AFP
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản phiên chiều 6/4 tăng 4,24% và đóng cửa với 18.576,30 điểm. Ảnh: AFP

Chứng khoán Nhật Bản lên điểm mạnh mẽ với chỉ số Nikkei 225 tăng đến 4,24% và đóng cửa với 18.576,30 điểm khi cổ phiếu của tập đoàn SoftBank tăng vọt 7,61%. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng vọt lên 3,86% và kết thúc giao dịch với 1.376,30 điểm.

Thị trường Australia cũng ghi nhận mức tăng điểm đáng kể, với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 4,33% lên 5.286,80 điểm nhờ cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Commonwealth Bank và Westpac bật lên 3,5%. Còn tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 3,85% và đóng cửa ở mức 1.791,88 điểm.

Thị trường Trung Quốc đại lục hôm nay đóng cửa nghỉ lễ, còn tại Hong Kong chỉ số Hang Seng tăng 2,15% tính đến giờ giao dịch cuối phiên. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 1,99%.

Nhà đầu tư vẫn hết sức dè dặt trước diễn biến dịch Covid-19, nhất là tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thế giới, khiến thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt những tuần gần đây. Số liệu mới nhất được Đại học John Hopkins cập nhật, thế giới ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 65.711 người đã tử vong vì virus này.

“Dù vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng có thể lạc quan rằng các biện pháp phong tỏa để chặn dịch có thể không kéo dài lâu”, Mitul Kotecha, chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán TD Securities nhận định. Tuy nhiên, ông Kotecha cũng không quên cảnh báo: “Rất sớm thôi, những ngày tới đây, các tin tức kinh tế sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

“Đó sẽ là một trận chiến thực sự trong những ngày sắp tới, giữa một bên là số liệu lkinh tế nghèo nàn và một bên là hy vọng số ca nhiễm bệnh sẽ diễn biến đi ngang tại châu Âu, Mỹ”, Kotecha nói.

Ngoài dịch Covid-19, giá dầu cũng khiến nhà đầu tư tỏ ra e ngại khi giá dầu tiếp tục trên thị trường châu Á chiều nay tiếp tục sụt giảm, dù CEO của Quỹ đầu tư quốc gia Nga tiết lộ Nga và Saudi Arabia sắp đi đến thỏa thuận dầu mỏ.

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn chiều nay giảm 1,35% xuống 33,65 USD/thùng sau, nhưng đây vẫn là diễn biến tích cực so với những giờ giao dịch trước đó, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 1,83% còn 27,82 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên 6/4, giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ lao dốc 9% sau khi cuộc họp dự kiến giữa OPEC và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) bị hoãn, làm dấy lên lo ngại triển vọng cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ gặp khó.

Tuần trước, cả dầu thô Brent và dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ đều “hồi sức” với mức tăng kỷ lục sau khi Saudi Arabia kêu gọi tổ chức một cuộc họp OPEC +, mở ra triển vọng cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga hôm 3/6 leo thang nên cuộc họp OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào hôm 9/4 tới, nguồn tin của kênh truyền hình CNBC cho biết.

Cuộc họp OPEC+ hồi đầu tháng 3 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận sau khi Nga từ chối đề xuất cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia trong bối cảnh giá dầu giảm sâu do sự bùng phát của dịch Covid-19. Lập tức sau đó Saudi Arabia đáp trả bằng tuyên bố tăng sản lượng khiến thế giới ngập trong dầu giá rẻ, đồng thời kích hoạt cuộc chiến giá dầu với Nga.

Thị trường tiền tệ chiều nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mức 100 thiết lập cuối tuần trước lên 100,632. Đồng yên Nhật Bản trượt giá sâu và giao dịch 109,16 JPY/USD so với mức 107,4 JPY/USD vào tuần trước, còn đô la Australia cũng suy yếu và trao tay ở mức 1 AUD/0,6028 USD.

Giá dầu "phập phù", chứng khoán châu Á vẫn im ắng
Chứng khoán châu Á sáng nay 3/4 ghi nhận phiên giao dịch khá im ắng sau khi giá dầu thế giới đêm qua lại đảo chiều.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư