Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giá dầu và áp lực lạm phát
Hà Nguyễn - 01/12/2018 08:08
 
Không phải là tất cả, nhưng rõ ràng, có mối liên hệ mật thiết giữa chuyện giá dầu trên thị trường thế giới và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Giá dầu giảm cũng đang làm giảm áp lực lạm phát ở Việt Nam. Đây là điều đáng mừng, khi chỉ còn 1 tháng nữa là nền kinh tế về đích kế hoạch năm 2018.

Có thể nhìn thấy rõ mối liên hệ này qua số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày hôm qua. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước đó. Diễn biến trên được cho là có chút khác biệt so với thông lệ hàng năm, bởi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng thường tăng trong 2 tháng cuối năm, dẫn tới CPI có xu hướng tăng cao hơn. 

.
.

Nhưng CPI đã giảm. Nguyên nhân được chỉ ra là do 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào ngày 6/11 và 21/11/2018. Giá xăng dầu giảm đã khiến chỉ số giá của nhóm giao thông giảm tới 1,81% so với tháng 10/2018 - là mức giảm cao nhất của các nhóm hàng hóa trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, khiến CPI chung giảm 0,17%.

Tất nhiên, việc CPI tháng 11 giảm 0,29% còn do giá gas giảm 9,18%, giá điện sinh hoạt giảm 0,64%, giá dầu hỏa giảm 0,97% cùng một số yếu tố khác nữa. Song giá xăng dầu giảm là nguyên nhân cơ bản tác động tới CPI tháng 11/2018.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ít tháng trước đây, khi áp lực lạm phát còn khá cao, nhiều cơ quan hoạch định chính sách, cũng như chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh việc phải “thận trọng với giá xăng dầu thế giới”. Thực tế cho thấy, giá dầu tăng cao không chỉ tác động tới lạm phát toàn cầu, mà còn tác động tới lạm phát ở Việt Nam, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, bởi xăng dầu và các sản phẩm có nguồn gốc xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Vài tháng trước, nhiều dự báo đều cho rằng, giá dầu sẽ đạt khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Nhưng thực tế, giá dầu đã đảo chiều ngoạn mục và đang tụt về vùng 50 USD/thùng. 

Giá dầu giảm đươc cho là có lợi với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, tất nhiên là ngoại trừ các nền kinh tế xuất khẩu nhiều dầu mỏ. Tính toán của Capital Economics cho thấy, cứ mỗi 10 USD giảm xuống trong giá của 1 thùng dầu, thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế mới nổi nhập khẩu nhiều dầu sẽ tăng thêm 0,5-0,7%. Giá dầu giảm cũng tác động tích cực tới lạm phát.

Việt Nam tuy là nước xuất khẩu dầu, nhưng những năm gần đây, cùng với quá trình tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng kinh tế không còn phụ thuộc quá nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như trước, nên việc giá dầu giảm, trên bình diện nào đó cũng tác động tích cực tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Ngành khai khoáng sẽ giảm thu, nhưng ngược lại, các ngành sản xuất khác sẽ được hưởng lợi. Lạm phát cũng vơi bớt áp lực tăng cao.

Khi CPI tháng 11 giảm 0,29% so với tháng trước đó, thì CPI bình quân 11 tháng năm 2018 sẽ tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Như vậy, nền kinh tế vẫn còn dư địa để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% như Quốc hội đã quyết nghị vào cuối năm ngoái. Với diễn biến hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên để đến cuối năm, sẽ đạt được mục tiêu kép, cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, giá dầu thế giới còn diễn biến bất thường. Do đó, cần cảnh giác, theo dõi diễn biến giá dầu thế giới để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhằm kiểm soát lạm phát không chỉ trong năm nay, mà cả năm 2019. Tất nhiên, kèm theo đó còn là các giải pháp khác, bởi dù có quan hệ mật thiết, song lạm phát của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào độ tăng - giảm của giá dầu thế giới.

Năm 2018, có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%
Thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, PGS-TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư