Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gia Lai - Hành trình trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng
Hoàng Anh - 21/05/2022 08:18
 
Từ một tỉnh được xem là “vùng trũng” về thu hút dự án đầu tư, Gia Lai bỗng trở thành điểm đến của những nhà đầu tư chiến lược, bùng nổ với hàng trăm dự án đầu tư. Sức hút nào đã kéo nhà đầu tư đến với Gia Lai?
Tỉnh Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn
Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn.

Bùng nổ dự án

Tập đoàn Hoàng Gia De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã khởi công Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai trong một ngày giữa tháng 5/2022. Hoạt động đầu tư vô cùng ý nghĩa, không chỉ đúng dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, mà còn đánh dấu một bước nhảy quan trọng trong thu hút đầu tư của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên này.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1.030 tỷ đồng, Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai là một trong rất nhiều dự án ngàn tỷ đồng đã đầu tư vào Gia Lai trong thời gian qua.

Chia sẻ về dự án này, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Hùng Nhơn đã khảo sát nhiều nơi, nhưng chỉ chọn Gia Lai, bởi nơi này có đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. “Với Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”, ông Hùng tin tưởng.

56 dự án kêu gọi đầu tư vào Gia lai

Trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 1), tỉnh Gia Lai kêu gọi 56 dự án thuộc 4 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng có 21 dự án; công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng có 25 dự án; nông, lâm nghiệp có 4 dự án; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch có 6 dự án.

Một số dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản như Tổ hợp shophouse và biệt thự rộng 1,6 ha thuộc phường Hoa Lư; Khu đô thị sinh thái Trà Đa rộng 53 ha trên địa bàn xã Trà Đa, TP. Pleiku; Khu đô thị mới thuộc thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang rộng 99 ha; Khu đô thị mới Đồi độc lập tại thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông rộng 36 ha.

Trong số các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tại khu vực thị xã An Khê có 3 dự án, gồm Khu du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ thời đại đá cũ Rộc Tưng rộng 20 ha thuộc xã Xuân An; Khu du lịch sinh thái, văn hóa đầu đèo An Khê, rộng 15 ha, thuộc xã Song An và Khu du lịch sinh thái hồ Hòn Cỏ, rộng 5 ha, thuộc xã Song An. Hai dự án còn lại là Khu du lịch sinh thái Hồ Ayun kết nối du lịch Chư Sê - Phú Thiện rộng 30 ha thuộc xã Ayun và xã HBông và Dự án du lịch Homestay hồ Ku Tong, hồ Ku Tong - làng Ku Tong - xã Ia Pếch, huyện Ia Grai rộng 5 ha.

Những năm qua, Gia Lai đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư chiến lược. Dòng vốn đầu tư khổng lồ của doanh nghiệp đã dẫn đến bùng nổ dự án đầu tư và kích hoạt sự phát triển của địa phương. Nếu trong giai đoạn 2011-2015, Gia Lai chỉ có hơn 110 dự án đầu tư, thì bây giờ đã thu hút được 589 dự án, với tổng vốn đăng ký 820.000 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần về số dự án và tăng 34 lần về vốn.

Vốn đầu tư của doanh nghiệp rót vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế của tỉnh Gia Lai như nông nghiệp, năng lượng tái tạo và du lịch.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Gia Lai đã thu hút được 23 dự án trồng trọt, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; 103 dự án chăn nuôi, tổng vốn đầu tư khoảng 15.300 tỷ đồng; 44 dự án lĩnh vực chế biến, với tổng vốn đầu tư 13.666 tỷ đồng.

Trong khi đó, du lịch Gia Lai đã thu hút được 15 dự án, với tổng vốn 7.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, ấn tượng nhất vẫn là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng, với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút hơn 40.000 tỷ đồng.

Qua khảo sát các nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác và sử dụng, tỉnh Gia Lai có thể phát triển các dự án điện mặt trời, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW; các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Chính vì vậy, năng lượng tái tạo nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Hiện có 176 dự án điện mặt trời, điện gió được doanh nghiệp đăng ký thực hiện với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 720.000 tỷ đồng. Năng lượng tái tạo đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng của Gia Lai.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng thu ngân sách của tỉnh Gia Lai vẫn đạt hơn 7.880 tỷ đồng; trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đạt trên 2.100 tỷ đồng. Ngoài ra, có 341 dự án thuộc các lĩnh vực khác được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư tại Gia Lai, với khoảng 80.000 tỷ đồng.

Không chỉ là tiềm năng

So với nhiều địa phương khác, Gia Lai có xuất phát điểm về thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp rất hạn chế. Thế nên, sự bùng nổ các dự án đầu tư hiện nay đặt ra câu hỏi: Sức hút nào đã kéo nhà đầu tư đến với Gia Lai?

Ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, một thời gian dài, do vướng các quy định về đảm bảo an ninh chính trị, nên việc thu hút đầu tư bị ảnh hưởng, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thế nên, dư địa của tỉnh về thu hút đầu tư còn rất lớn.

“Vì chưa được đầu tư, nên các thế mạnh và tiềm năng của tỉnh gần như còn nguyên sơ. Đến nay, với những quyết sách quan trọng của Đảng và Chính phủ dành cho Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, việc thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều thuận lợi hơn. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đến với Gia Lai, triển khai đầu tư các dự án. Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp đã tạo động lực bứt phá cho Gia Lai”, ông Thành lý giải.

Không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp, năng lượng tái tạo hay du lịch, tỉnh Gia Lai còn có các tuyến đường bộ rất phát triển, với 5 quốc lộ đi qua, đặc biệt là có sân bay Pleiku, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Ngoài ra, bên cạnh công suất điện gió và điện mặt trời lớn, Gia Lai còn có hạ tầng đấu nối và giải tỏa công suất tốt nhất hiện nay so với cả nước, tạo lợi thế riêng cho Gia Lai trong việc thu hút đầu tư về năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, theo ông Hồ Phước Thành, tiềm năng sẽ mãi là tiềm năng, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Gia Lai. Đây là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công trong thu hút đầu tư của Gia Lai.

Trong nhiều năm qua, Gia Lai đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và thủ tục hành chính. Qua các năm, thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Gia Lai không ngừng được cải thiện trên vị trí xếp hạng. Trong năm 2021, với 64,9 điểm, Gia Lai ở vị trí thứ 26/63 trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 12 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên.

Ông Hồ Phước Thành cho biết, hàng loạt giải pháp mang tính đột phá nhằm mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đã được Gia Lai ban hành. Với mục tiêu tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm 30-70% thời gian thực hiện so với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Gia Lai phấn đấu năm 2025 sẽ vào Top 20 về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

“Gia Lai cải cách các quy định liên quan đến thành lập doanh nghiệp; quy trình luân chuyển hồ sơ, các doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, chứ không cần đi hết các sở, ngành. Tỉnh cũng thành lập Tổ công tác thúc đẩy xúc tiến đầu tư, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư. Song song với đó, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại, gặp mặt để lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp. Tỉnh Gia Lai thực hiện chính sách thu hút đầu tư quyết liệt và thực chất hơn; luôn cam kết đồng hành mạnh mẽ với doanh nghiệp, với mục tiêu xây dựng Gia Lai trở thành điểm đến lý tưởng để đầu tư và phát triển kinh doanh”, ông Thành khẳng định.

Gia Lai khẳng định vị thế cánh cửa hướng Đông của Tây Nguyên
Gia Lai được đánh giá là tâm điểm kết nối Tây Nguyên với Vùng duyên hải miền Trung và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV). Vị trí này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư