Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Giả mạo email của Ngân hàng Nhà nước gửi link cập nhật sinh trắc học để lừa đảo
Linh Đan - 12/09/2024 15:36
 
Các đối tượng lừa đảo, giả mạo giao diện hòm thư điện tử (email) của Ngân hàng Nhà nước để gửi thông tin dẫn dụ người dân, khách hàng… bấm vào đường link lừa đảo có nội dung: “Cập nhật thông tin sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng”.

Ngày 12/9, Công an tỉnh Lâm Đồng phát đi cảnh báo về việc xuất hiện các đối tượng giả mạo hòm thư điện tử của Ngân hàng Nhà nước gửi đường dẫn cập nhật thông tin sinh trắc học để lừa đảo.

Theo đó, thời gian gần đây, một số đối tượng lừa đảo, giả mạo giao diện hòm thư điện tử (email) của Ngân hàng Nhà nước để gửi thông tin dẫn dụ người dân, khách hàng… bấm vào đường link lừa đảo có nội dung: “Cập nhật thông tin sinh trắc học cho giao dịch ngân hàng”.

Để tạo sự tin tưởng của người dân, khách hàng… nhận được thư, các đối tượng lừa đảo đã trích dẫn một số quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng và yêu cầu người nhận thư cập nhật thông tin sinh trắc học theo đường link lừa đảo có trong email.

Cụ thể, hòm thư điện tử giả mạo có địa chỉ “[email protected]” gửi thông tin lừa đảo kèm 2 đường link: cập nhật thông tin sinh trắc học; toàn văn Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (đính kèm email giả mạo).

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, đây là hành vi mạo danh cơ quan Nhà nước để dụ người nhận thư thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo và bị thu thập thông tin cá nhân nhằm thực hiện các hành vi như: Đăng nhập vào các ứng dụng ngân hàng; thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân….

Được biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cung cấp thông tin đến công chúng chính thức qua Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước tại địa chỉ www.sbv.gov.vn.

Vì vậy, Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân, khách hàng các tổ chức tín dụng hết sức đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua phần mềm trò chuyện (chat), tin nhắn SMS hoặc email; không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc; không cung cấp mật khẩu dùng một lần (mã OTP), mật khẩu ngân hàng điện tử/ứng dụng ngân hàng di động (internet banking/mobile banking) cho bất kỳ ai.

Đồng thời, người dân cần cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận, xử lý thông tin, yêu cầu từ các kênh thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc.

Meta bị phạt 36 triệu USD vì để quảng cáo lừa đảo tràn lan
Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, vừa phải đối mặt với một án phạt nặng nề trị giá 36 triệu USD từ cơ quan giám sát tiêu dùng Brazil vì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư