Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp tận dụng thời cơ xuất khẩu
Thế Hoàng - 18/04/2022 11:58
 
Giá phân bón xuất khẩu quý I/2022 đã tăng hơn 230 USD/tấn so với giá xuất khẩu trung bình cả năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ này để tăng xuất khẩu.
Quý 1/2022, DAP Vinachem Quý I, doanh thu doanh nghiệp tăng 37% và lợi nhuận gấp gần 4 lần.
Quý I/2022, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, DAP Vinachem công bố doanh thu tăng 37%, lãi gấp 4 lần cùng kỳ.

Giá phân bón xuất khẩu tăng hơn 230 USD/tấn

Xuất khẩu phân bón tăng trưởng ấn tượng do các nước trên thế giới đang dần phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ phân bón đang ở mức cao. Trong khi đó, nhiều nước xuất khẩu phân bón lớn khác đang hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới nên đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, năm  2021, nước ta xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 67,2% về trị giá so với năm 2020. Giá xuất khẩu phân bón trong năm 2021 tăng 41,2% so với năm 2020, đạt 413 USD/tấn.

Đà tăng giá của mặt hàng phân bón được thấy rõ hơn từ đầu năm nay và tăng phi mã khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tận dụng giá phân bón thế giới đang ở mức cao, quý I/2022, các doanh nghiệp phân bón trong nước đã đẩy mạnh xuất khẩu. Thống kê cho thấy, 3 tháng qua, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với quý cùng kỳ, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%.

Giá xuất khẩu trung bình đối với phân bón trong quý I đã tăng thêm hơn 230 USD/tấn, so với giá cả năm 2021, đạt 647,3 USD/tấn, tăng 110%. Năm 2021, giá trung bình là 413 USD/tấn.

Phân bón các loại được xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia, chiếm 20,6% trong tổng lượng và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước, đạt 97.791 tấn, tương đương gần 48,69 triệu USD.

Tiếp đến thị trường Hàn Quốc với 30.368 tấn, tương đương 22,96 triệu USD, giá trung bình 756 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với quý I/2021, với mức tăng tương ứng 184%, 599% và 146%; chiếm 6,4% trong tổng lượng và chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch.

Thị trường Malaysia đứng thứ ba với 39.002 tấn, tương đương 15,58 triệu USD, giá 399,5 USD/tấn, tăng 94,5% về lượng, tăng 191% kim ngạch và tăng 49,7% về giá so với quý I/2021, chiếm trên 8,2% trong tổng lượng và chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Doanh nghiệp hưởng lợi 

,
Đạm Cà Mau cũng ghi nhận tổng doanh thu quý I/2022 ước đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021

Theo phân tích của Mordor Intelligence, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Các doanh nghiệp đứng đầu ngành phân bón, như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần phân bón trong nước lẫn xuất khẩu.

Việc Trung Quốc và Nga giảm sản lượng xuất khẩu cũng tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng được giá xuất khẩu. Động thái này có thể làm gia tăng sức cạnh tranh của các công ty sản xuất phân bón Việt Nam. 

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhiều thị trường như Nam Phi và Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm những nhà cung ứng mới, điều đó có thể giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu phân bón. 

Nhờ hưởng lợi nhờ giá cả tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của một loạt doanh nghiệp phân bón tăng trưởng tích cực. Lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của một số doanh nghiệp đã bật tăng mạnh.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) cho biết, lợi nhuận quý I/2022 của Công ty ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỷ đồng của quý IV/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước (292 tỷ đồng). Theo ước tính của SSI Research, năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Năm ngoái, lợi nhuận của DGC tăng đột biến tới 352%..

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần DAP Vinachem vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với doanh thu 863 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 136,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ. 

Doanh thu của doanh nghiệp tăng chủ yếu nhờ giá bán tăng.

Theo giải trình, giá bán bình quân đã trừ chiết khấu kỳ này tăng thêm 9,7 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ, tức tăng 113%. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa giảm từ 364 tỷ đồng về 304 tỷ đồng, nhưng doanh thu xuất khẩu tăng mạnh từ 268 tỷ đồng tăng vọt lên 559 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp xuất khẩu tăng mạnh từ 22 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng trong khi nội địa đi ngang ở mức 64 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh nghiệp ngành phân bón đã lãi kỷ lục nhờ thị trường thuận lợi, giá phân bón tăng rất cao. Đạm Cà Mau đạt tổng doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. 

Tổng doanh thu năm 2021 của Đạm Phú Mỹ cũng lên đến 12.826 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.600 tỷ đồng; tăng lần lượt 63% và 324% so với năm 2020. Hai chỉ số này vượt xa so với kế hoạch cũng như xác lập mức lợi nhuận kỷ lục của tổng công ty trong vòng 10 năm qua

Đạm Cà Mau cũng ghi nhận tổng doanh thu quý I/2022 ước đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Với kế hoạch mục tiêu đạt 1.629 tỷ đồng doanh thu và 78,12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong quý đầu năm, DCM đã vượt 147% chỉ tiêu doanh thu và gấp 19 lần chỉ tiêu lợi nhuận.

DCM cho biết, kế hoạch quý I được xây dựng dựa trên dữ liệu thực hiện hàng năm của Công ty và các dự báo về giá nguyên liệu đầu vào, giá bán sản phẩm đầu ra. Do đó, Công ty đã đưa ra kế hoạch tương đối thận trọng. Với thực tế diễn biến của thị trường, DCM cũng lo ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, khiến giá dầu và cước vận chuyển tiếp tục tăng, nguồn cung phân bón và nguyên vật liệu khan hiếm...

Bước sang quý II/2022, DCM ước tính tổng doanh thu thực hiện đạt 4.847,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 748 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 710,67 tỷ đồng. Về các chỉ tiêu khối lượng, với phân Urê, DCM sẽ sản xuất 232.160 tấn và tiêu thụ 217.000 tấn. Với NPK, Công ty đặt chỉ tiêu sản xuất 25.560 nghìn tấn và tiêu thụ 28.500 tấn.

Lý giải về các kế hoạch này, DCM cho biết, bên cạnh những yếu tố khách quan do giá bán tăng cao, DCM vẫn tiếp tục phát huy nội lực mạnh mẽ, tăng tải và duy trì vận hành ổn định ở 112,3% công suất, tiết giảm tiêu hao nguyên liệu và tìm cơ hội xuất khẩu được các lô giá cao. Việc Công ty thực hiện khai thác hiệu quả các hạng mục cải hoán, tối ưu hóa về mặt công nghệ đã giúp tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí giúp DCM có kết quả quý I tăng trưởng mạnh mẽ.

Quý I/2022: Doanh nghiệp phân bón lãi tăng gấp 5-10 lần cùng kỳ
Lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng gấp 5-10 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư