Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Giá viện phí sẽ có biến động mạnh vào năm 2024?
D.Ngân - 05/10/2023 19:33
 
Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Dự kiến, Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, dịch vụ giường bệnh và dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh dựa trên nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám, bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khuyến khích các đơn vị cung ứng nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, giá khám, chữa bệnh được xác định bao gồm: Giá thành toàn bộ dịch vụ, lợi nhuận dự kiến (nếu có) và nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Giá thành toàn bộ dịch vụ được tính, gồm chi phí nhân công (chi phí thu nhập bình quân tăng thêm và chi quỹ dự phòng để ổn định thu nhập viên chức, người lao động được kết cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định…);

Chi phí trực tiếp (chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm, công cụ, dụng cụ; nhiên liệu điện nước, xử lý chất thải); chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định theo quy định;

Chi phí quản lý là các chi phí gián tiếp để thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định; kiểm định, hiệu chuẩn tài sản; chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí quản lý chất lượng; chi phí đồng phục, trang phục, bảo hộ lao động…).

Dự thảo Thông tư quy định: Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá.

Các nghĩa vụ tài chính nếu có gồm: Các khoản phí, lệ phí, thuế; thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nghĩa vụ tài chính khác.

Trước đó, tại Hội thảo tập huấn triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh bao gồ chi tiền lương; chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế, điện, nước; bảo trì bảo dưỡng cơ sở hạ tầng; chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chi phí quản lý - điều hành.

Tuy nhiên, hiện nay các chi phí chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chi phí quản lý - điều hành chưa được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh.

Hiện nay, người bệnh vẫn phải chi tiền túi tới 40% tổng chi phí. Tuy nhiên, với lộ trình tính đúng tính đủ thời gian tới, tỷ lệ này sẽ giảm.

Với câu hỏi về việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích cho ai, đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, cả bệnh viện lẫn người bệnh đều được lợi.

Theo đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân, là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.

Bởi việc tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ người bệnh.

Khi bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ đa dạng, có chất lượng cao ngay tại địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Đặc biệt, khi giá dịch vụ được tính đúng tính đủ, thì người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Y tế, trong những năm qua, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 18.244 kỹ thuật với trên 1.300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và trên 7.500 quy trình kỹ thuật, đồng thời, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, nên Bộ Y tế đã cập nhật quy trình kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp, phục vụ cho tính giá viện phí tính đúng và đủ.

Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giá viện phí mới vào năm 2024
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ được Bộ Y tế hoàn thiện trong quý III/2023 để trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư