Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Giá xăng dầu và áp lực lạm phát cao quay trở lại
Hà Nguyễn - 14/02/2022 15:35
 
Giá dầu thế giới đang ở mức cao và điều này có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong nước. Nhưng áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu.
Giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước và hệ lụy sẽ là CPI bị đẩy lên cao

Nỗi lo từ giá xăng dầu

Giá dầu trên thị trường thế giới đang tăng cao, giá xăng dầu ở thị trường trong nước cũng vậy. Chiều ngày 11/2, liên bộ Tài chính - Công thương đã chính thức điều chỉnh giá mỗi lít xăng tăng thêm 960-980 đồng, còn giá dầu tăng thêm 660-960 đồng, một mức tăng khá cao. Với mức tăng này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít với RON 95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014.

Trước đó, đã xuất hiện hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu “găm hàng” với lý do “thiếu hàng để bán” nhằm chờ giá lên. Những điều này đang làm dấy lên nỗi lo rằng, liệu lạm phát có tăng? Đây là một thực tế, bởi lâu nay, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam thường chịu ảnh hưởng không nhỏ của giá xăng dầu. Việc giá xăng dầu tăng luôn đi liền với áp lực lạm phát của Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả Mỹ cũng đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao chưa từng có. CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tăng tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1/2022 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. “Thủ phạm” chính gây lạm phát cao ở Mỹ chính là giá xăng dầu.

Giá dầu đang leo thang trên thị trường thế giới và theo dự báo của Bank of America, giá dầu trên thị trường thế giới có thể sớm vượt mốc 100 USD trong quý II năm nay. Các ngân hàng lớn của Phố Wall, như Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley, cũng dự báo giá dầu sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.

Giá dầu đang tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tăng cao của thị trường. Một khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, sẽ ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước và hệ lụy sẽ là CPI bị đẩy lên cao.

Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, với CPI tháng 1/2022 được công bố ở mức tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ, thì lạm phát vẫn đang được kiểm soát. Song câu chuyện có thể sẽ khác khi CPI tháng 2 được công bố. Đây là tháng Tết Nguyên đán, với nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao. Tuy không xảy ra “sốt hàng, sốt giá” như nhiều năm trước, nhưng xu hướng giá cả thị trường tăng cao là có thật. Chưa kể, chuyện tăng giá xăng dầu cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI của tháng 2/2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ cũng cho rằng, áp lực lạm phát trong năm 2022 vẫn hiện hữu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao, giá dầu thô dự báo tăng những năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Và khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Áp lực lạm phát rất lớn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn và đến cả ở phía cung và phía cầu. “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế trên thế giới, thì áp lực lạm phát sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trên thực tế, áp lực lạm phát là câu chuyện không của riêng Việt Nam, mà là của kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, lạm phát đang dần “nóng” lên, trở thành mối đe dọa chính cản trở phục hồi tăng trưởng và gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô thế giới.

Một số liệu được Bank of America công bố cho biết, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến cuối năm 2021, các ngân hàng trung ương đã bơm thêm khoảng 32.000 tỷ USD vào các thị trường trên toàn thế giới.

“Mặc dù những khoản tiền khổng lồ nói trên đã bị thu hút một phần đáng kể vào nhiều loại tài sản tài chính, tiền ảo, bất động sản, vàng... ít trực tiếp ảnh hưởng đến CPI, song dù sao lạm phát cao đã xuất hiện ở nhiều nước, nhiều khu vực. Câu chuyện của Mỹ là một ví dụ”, ông Lê Đình Ân nói.

Trong bối cảnh ấy, việc Việt Nam chịu áp lực lạm phát cao không có gì là lạ. Áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu, mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Ngoài giá dầu đang tăng mạnh, thì giá lương thực, thực phẩm cũng đang tăng cao. Giá lương thực thế giới vào đầu tháng 1/2022 đã tăng 28%, lên mức cao nhất trong một thập kỷ.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, lại phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, thì nỗi lo “nhập khẩu lạm phát”, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc tới, là có thật.

Thực tế, về lý thuyết, lẽ ra câu chuyện này đã diễn ra từ năm 2021. Song do sức cầu yếu, nên chuyện giá cả đầu vào tăng cao chưa được ghi nhận vào giá bán sản phẩm và đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức 1,84% trong năm 2021.

Nhưng ngay từ năm ngoái, các ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, chẳng chóng thì chầy, sau thời gian “kìm nén”, khi kinh tế và cầu tiêu dùng phục hồi, các doanh nghiệp sẽ chuyển dần chi phí đầu vào của sản xuất vào giá bán. Lúc ấy, CPI sẽ tăng.

Áp lực với lạm phát còn có thể đến từ việc Nhà nước sẽ điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, viễn thông. Hai năm chịu tác động của dịch Covid-19, các ngành này đã giảm giá để hỗ trợ khách hàng. Ngay cả viện phí, học phí cũng chưa được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Một khi lộ trình này tiếp tục, sẽ được ghi nhận vào tốc độ tăng CPI chung của nền kinh tế.

“Các gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế cũng bắt đầu được tung ra ngay trong quý I năm nay và trong cả hai năm 2022-2023. Đây cũng sẽ là yếu tố tác động đến lạm phát”, ông Lê Đình Ân nói.

Áp lực lạm phát là có thật. Tuy nhiên, theo các dự báo từ WB, ADB, cũng như các tổ chức kinh tế trong nước, lạm phát của Việt Nam sẽ không tăng quá cao trong năm nay. ADB đưa ra con số 3,5%, còn WB dự báo rằng, lạm phát của Việt Nam sẽ khoảng 3,6%. Nghĩa là, mọi chuyện vẫn đang ở trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, “thận trọng”, “kiểm soát chặt chẽ” lạm phát trong năm 2022 vẫn là điều được các định chế này nhấn mạnh.
''Giá xăng dầu giảm sâu sẽ chỉ tác động khi nền kinh tế ổn định''
Dầu thô giảm giá vào thời điểm này không có tác dụng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, đồng thời sẽ không tác động đến nền kinh tế của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư