Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giấc mơ 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả
Khánh An - 20/09/2014 14:31
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có hiệu quả trong 10 năm tới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp Việt có biết Samsung đang cần gì?
Vì sao công nghiệp hỗ trợ mãi vẫn không lớn
Doanh nhân Việt muốn có doanh nghiệp trăm năm tuổi
  cộng đồng doanh nghiệp, tuyên bố chung của cộng đồng doanh nghiệp  
  Các hiệp hội doanh nghiệp ký Chương trình hành động chung để nâng cao năng lực cạh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam  

Con số này được đưa ra trong Tuyên bố chung về Chương trình hành động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập vừa được VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp ký kết.

Cùng với đó, mục tiêu cao hơn là có một số doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông Nam Á cũng được các hiệp hội cùng chung tay xây dựng.

So với hiện tại, hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang có tên dữ liệu thông tin về doanh nghiệp, trong đó, khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp mà VCCI đề xuất không quá sức.

Tuy nhiên, yếu tố doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong mục tiêu này mới thực sự là thách thức.

Nhìn lại giai đoạn 10 năm qua, chặng đường phát triển hiệu quả của doanh nghiệp rất gian nan, nhất là sau giai đoạn 2004-2006. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, có những thời điểm 60-70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi.

“Khi đó, sự phát triển bùng nổ, có phần dễ dãi, thiếu căn cơ, dựa trên nguồn tín dụng giá rẻ, đầu tư quá mức vào khu vực tài chính và bất động sản, ít chú ý tới các yếu tố nền tảng về chiến lược, quản trị… đã đẩy nhiều doanh nghiệp Việt  vào tình trạng khó khăn khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những bất ổn về kinh tế vĩ mô trong nước vào những năm sau đó”, ông Lộc nói.

Đặc biệt, yếu tố rủi ro cao trong môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp Việt Nam có xu thế làm ngắn hơn là dài. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương thừa nhận thực tế, sự yếu kém về năng lực của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam một phần do thể chế

“Doanh nhân không ngại vượt qua những thách thức của thương trường, đó là bổn phận khi họ bước vào kinh doanh; nhưng họ ngại vượt qua những thách thức của thể chế ‘sáng đúng, chiều sai, đến sáng mai lại đúng’, họ không thể làm dài, làm lớn khi phải đối phó với chính sách thay vì xây dựng chiến lược dài hạn dựa trên định hướng chính sách”, ông Cung chia sẻ và nhắc lại câu nói thể chế nào, doanh nhân ấy.

Trong giai đoạn 2009 – 2013, khi khó khăn của cộng đồng doanh nhân lên tới đỉnh điểm, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, tạm dừng, pháp sản, tiếng nói của cộng đồng kinh doanh về mong muốn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế được đẩy mạnh. VCCI đã trở thành tên tuổi đại diện cho sự tham gia của doanh nhân trong những đột phá của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh, về chính sách kinh tế và thủ tục hành chính. Huân chương Lao động Hạng nhất vừa được trao cho VCCI vì sự đóng góp này.

Lúc này, cộng đồng doanh nhân đang kỳ vọng vào làn sóng đổi mới thể chế - đặc biệt là sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh sau khi tư tưởng người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm đang được thể chế hóa trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi.

“Làn sóng này sẽ mở đường cho một làn sóng đầu tư kinh doanh thứ hai của cộng đồng doanh nghiệp. Lần này, làn sóng sẽ không ồn ào, nhưng bền vững, căn cơ, đây là cách đi mới của cộng đồng doanh nhân Việt Nam”, ông Lộc chia sẻ.

Chương trình hành động của các hiệp hội doanh nghiệp đang được kỳ vọng là bước tiếp theo của sự tham gia của cộng đồng kinh doanh vào bước phát triển mới của cải cách thể chế.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư