Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Giấc mơ lớn của doanh nhân Việt
Khánh An - 13/10/2023 08:46
 
Giới kinh doanh Việt nhìn nhận đang trong cơ hội cuối cùng của thế hệ doanh nhân 6x, 7x và cũng là cơ hội ngàn vàng dành cho thế hệ 8x, 9x để cùng đưa Việt Nam thành Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hội nghị Toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023 do VCCI tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam  (13/10). Ảnh: Đức Thanh

Không có gì là không thể

Trên bàn làm việc của doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco có bức tượng hai bàn tay móc vào nhau, với dòng chữ in đậm “Nothing is Impossile” (Không có gì là không thể).

Ông kể, đã mua bức tượng này từ 20 năm trước, trong một lần đến CHLB Đức, và luôn để trong tầm mắt kể từ đó. “Tôi tự răn, không bao giờ được nản chí, thành công chỉ đến với người có khát vọng, có quyết tâm, có lao động, có trả giá, có hy sinh”, ông Tiền tâm sự khi nhận được câu hỏi về những khó khăn, thách thức trong thương trường.

30 năm trước, ông và lớp doanh nhân Việt Nam đầu tiên sau Đổi mới đã khởi nghiệp kinh doanh, tạo lập sự nghiệp trong thời điểm sơ khai của kinh tế thị trường ở Việt Nam, đã chống chọi, vượt qua vô vàn rào cản chỉ bằng kiến thức giản đơn, bằng sức lực và cả tay chân, nhưng với quyết tâm và khát vọng vô cùng lớn, rằng Việt Nam phải có vị thế trên thế giới. Các lớp doanh nhân Việt cứ bước đi, lớp trước dù người thành, người ngã, cũng là kinh nghiệm, bài học cho lớp sau vững vàng hơn, mở ra tương lai cho đất nước.

Cho đến giờ, lực lượng gần 900.000 doanh nghiệp Việt, hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp trên 40% GDP, sở hữu hàng trăm thương hiệu Việt danh tiếng trong nước, nhiều thương hiệu đã bước chân ra thế giới... Việt Nam đã trở thành số 1, số 2 trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực trên thế giới, từ xuất khẩu nông sản đến phần mềm.

Nhưng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT vẫn đang tiếp tục nói về các bước nhảy lớn, về giấc mơ lớn của doanh nhân Việt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ như vũ bão và vị thế của Việt Nam là cầu nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc...

“Chúng ta phải đặt vấn đề là làm thế nào để thế giới là thị trường của chúng ta, nhân lực trên thế giới cũng là người của chúng ta, tiền bạc trên thế giới cũng là nguồn vốn của chúng ta và người tiêu dùng trên toàn thế giới cũng là khách hàng của chúng ta...”, ông Bình nói.

Thậm chí, giới kinh doanh đang nói về niềm vui từ những thành tựu tầm cỡ khu vực và thế giới, thay vì những thành công trong nước...

Nỗi lo trước những nghịch lý phát triển

Tinh thần tự lực, tự cường đáng ngưỡng mộ là đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về doanh nhân Việt Nam.

“Khó khăn như vậy mà họ vẫn phát triển được, thậm chí phát triển được chuỗi sản xuất của riêng, như cách ông Trần Bá Dương đang làm với Thaco. Từ số 0, với sự kiên trì trong suốt hơn chục năm, chuỗi sản xuất của Thaco đã hình hài với một nửa dựa vào nước ngoài, một nửa tạo ra ở Việt Nam”, ông Thiên nói.

Vấn đề là, bước chân của Thaco trong ngành công nghiệp ô tô hay cách Sun Group đang đầu tư vào hạ tầng, vào sân bay, dù khẳng định khu vực tư nhân Việt Nam có thể làm được nhiều việc mà Nhà nước không làm được, nhưng lại chưa đủ để nhìn thấy hướng ra cho các bước nhảy vũ bão mà các doanh nhân kỳ vọng, như cách Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm trong thế kỷ trước.

“Tôi đang thấy một nghịch lý, đó là doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi chống chịu, nhưng đa phần lại chậm lớn và khó trưởng thành, trình độ thấp, thực lực yếu, dựa nhiều vào vốn vay để lớn. Thậm chí, doanh nghiệp Việt đang rơi vào thế đoản thọ và li ti hóa”, ông Thiên thẳng thắn.

Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng cốt tử đến nội lực quốc gia, mà còn bộc lộ những điểm yếu trong cấu trúc kinh tế. Đó là cơ cấu ngành - vùng vẫn dựa vào lợi thế tĩnh, đẳng cấp thấp, hệ thống kết nối không đồng bộ, thậm chí ách tắc; cơ chế phân bổ nguồn lực không phù hợp, còn xin - cho và định hướng chính sách chưa thúc đẩy tạo chuỗi sản xuất dựa trên các đầu tầu, tập đoàn kinh tế mạnh... Hệ lụy là, đang có nhiều lo ngại về tính khả thi của chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên lại có niềm tin vào cơ hội xoay chuyển khi nhìn từ năng lực và khát vọng của doanh nghiệp Việt.

“Tạo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến, phát triển, lớn lên, thậm chí giới thiệu, thúc đẩy các doanh nhân ra thị trường quốc tế, tiếp cận cái tốt để nâng doanh nghiệp lên. Doanh nghiệp lên nấc thang cao hơn cũng chính là nâng một phần đất nước cao lên”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.

Ở đây, câu chuyện thành công của 2 nền kinh tế Đông Á được nhắc đến. Khi Nhật Bản quyết định làm ô tô, thì châu Âu và Mỹ đã đi trước rất xa, gần như không có cửa cho người mới. Hay khi Hàn Quốc quyết định làm đóng tàu, thì mọi người cũng bàn làm sao đuổi theo được Nhật Bản... Nhưng, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc đã dịch chuyển được chuỗi giá trị ngành hàng, đưa họ vào vị thế đầu chuỗi, dù lợi thế không nhiều.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, chìa khóa họ có được là sự hậu thuẫn của chính sách và chiến lược đầu tư vào con người của Nhà nước.

Công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai

Các con số đóng cửa, tạm đóng cửa của doanh nghiệp Việt vài năm trở lại đây cho thấy, thành lập doanh nghiệp không còn là khoản đầu tư,  hấp dẫn như trước.

Tình hình có thể chưa chấm dứt trong tháng tới, trong năm tới, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia lo ngại.

Nhìn lại lịch sử suốt mấy chục năm qua, câu chuyện kỳ diệu về sự phát triển vượt bậc của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Từ chỗ không có tên trên bản đồ kinh tế nước nhà, nhưng công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã thổi bùng khát vọng và làn sóng khởi nghiệp đầu tiên trong nền kinh tế vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Doanh nhân đã trở thành lực lượng chủ công làm nên một công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào thoát khỏi đói nghèo, đưa đất nước thành nước có thu nhập trung bình và đang vững bước trên con đường giàu mạnh.

Nhưng để khu vực kinh tế tư nhân đóng góp được 60% GDP, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 như mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) hay có được những doanh nhân đạt tầm khu vực, tầm thế giới; có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt mà Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới mà Bộ Chính trị ban hành ngày  10/10 vừa qua, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có công cuộc khởi nghiệp lần thứ hai trong nền kinh tế.

"Lần này là khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp để nâng cấp cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Khởi nghiệp để thoát khỏi đói nghèo đã khó, khởi nghiệp để đất nước trở nên giàu mạnh còn khó hơn nhiều”, ông Lộc nhấn mạnh.

Một lần nữa, thể chế vượt trội để nâng cấp doanh nghiệp, để đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu cấp bách trong cải cách thể chế.

Khát vọng kéo cả khu vực kinh tế tư nhân lớn lên”

- TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Các doanh nghiệp tư nhân lớn đang có nhiều khát vọng, nhưng bị nén trong các khung khổ không phù hợp. Lúc này, nếu được trao quyền, được tự do kinh doanh, được an tâm kinh doanh, khát vọng lớn sẽ bừng lên.

Chính phủ đang truyền đi khát vọng thịnh vượng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng cũng cần đi cùng với hành động, quyết tâm thực thi, để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được khát vọng của họ. Đó là khát vọng kéo cả khu vực kinh tế tư nhân lớn lên, chứ không chỉ là làm vì sinh kế, chỉ để tồn tại...

Giới kinh doanh đang đứng trước cơ hội lịch sử”

- Ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Western Pacific

Giới kinh doanh đang xác định đứng trước cơ hội lịch sử, khi Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, mới nhất là Mỹ. Chúng tôi nói với nhau rằng, đây là cơ hội cuối cùng của thế hệ doanh nhân 6x, 7x và cũng là cơ hội ngàn vàng để thế hệ 8x, 9x biến Việt Nam thành Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, phải có được các dự án, các kế hoạch kinh doanh giữa hai bên; cần cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục đơn giản, rõ ràng, có thể tiên lượng được. Đặc biệt, lúc này, việc giải tỏa, xử lý các nút thắt, các ách tắc cần nhanh chóng, nhất là các vướng mắc trong hệ thống pháp luật, thậm chí cả văn bản luật mới ban hành mà không phù hợp thì cần phải sửa ngay...
Chủ tịch VCCI: Doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại
Trong cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 11/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã gửi Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư