Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Biến số mới tại thị trường hàng không nội địa
Anh Minh - 06/07/2025 13:56
 
Sự xuất hiện của hãng bay mới được thành lập là Sun PhuQuoc Airways, hay nỗ lực bứt phá của Vietravel Airlines đang là những ẩn số rất đáng quan tâm tại thị trường hàng không Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.
Thị trường hàng không 6 tháng cuối năm dự kiến sôi động do nỗ lực bứt phá của các hãng bay cũ và sự xuất hiện hãng bay mới.

Hai yếu tố mới

Ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, không giấu được niềm tự hào khi chứng kiến chiếc tàu bay Airbus A321 đầu tiên thuộc quyền sở hữu của hãng hàng không này hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào cuối tháng 6/2025.

“Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch tái cấu trúc và mở rộng của Vietravel Airlines kể từ khi T&T Group trở thành cổ đông chiến lược của Hãng. Việc chính thức sở hữu tàu bay mở ra một giai đoạn phát triển mới chủ động, bài bản và bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không xanh, chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững hàng đầu khu vực Đông Nam Á”, vị chủ tịch của Vietravel Airlines cho biết.

Dù đợt cao điểm hè 2025 - mùa làm ăn quan trọng nhất của các hãng hàng không – đã bắt đầu hơn 1 tháng, song đây vẫn là sự bổ sung nguồn lực quan trọng cho Vietravel Airlines – hãng bay từ nhiều tháng nay chỉ vận hành đúng 2 chiếc tàu bay thuê.

Được biết, trong tháng 7/2025, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục sở hữu thêm 2 tàu bay Airbus A320, hoàn tất kế hoạch tăng cường đội bay với các dòng máy bay hiện đại, linh hoạt và hiệu quả. Hãng sẽ tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn và các điểm đến quốc tế trong khu vực, phục vụ cả nhu cầu du lịch lẫn thương mại đang phục hồi mạnh mẽ.

Trong bối cảnh nhu cầu sở hữu, thuê tàu bay trên thế giới đang tăng rất cao do thị trường hàng không quốc tế phục hồi, tăng trưởng mạnh và sự thiếu hụt động cơ Pratt & Whitney trên dòng A321/A320 NEO, việc Vietravel Airlines đầu tư 3 tàu bay A321/A320 trong vòng chưa đầy 1 tháng cho thấy quyết tâm rất lớn của nhà đầu tư T&T trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng đường bay.

Lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh vận tải hành khách, hãng bay này sẽ mở rộng sang mảng vận chuyển hàng hóa hàng không (air cargo) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của chuỗi cung ứng và logistics trong khu vực.

“T&T Group và Vietravel Airlines đang có kế hoạch tham gia phát triển các dịch vụ phụ trợ hàng không như dịch vụ mặt đất (ground services), kho bãi, bốc xếp, dịch vụ kỹ thuật và công nghiệp hàng không – một lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và góp phần hoàn thiện hệ sinh thái hàng không theo mô hình tập đoàn mà T&T Group đang phát triển”, đại diện Vietravel Airlines thông tin.

Nếu như Vietravel Airlines là trường hợp “mới mà cũ”, thì trong 6 tháng cuối năm 2025, thị trường hàng không Việt Nam nhiều khả năng sẽ đón nhận thêm một tân binh là Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc (Sun PhuQuoc Airways).

Sau khi được Bộ Xây dựng chính thức cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 01/2025/GPKDVCHK, Sun PhuQuoc Airways đang đẩy nhanh tiến độ xin cấp Giấy chứng nhận nhà khai thác hàng không (AOC) – điều kiện pháp lý cuối cùng để một hãng hàng không có thể chính thức khai thác các chuyến bay thương mại.

Hãng bay này đặt mục tiêu mở bán vé vào cuối tháng 10/2025 và khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối tháng 12/2025. Theo thông tin của chúng tôi, tiến độ xin cấp AOC của Sun PhuQuoc Airways đang rất thuận lợi, có thể được cấp chứng nhận quan trọng này vào đầu tháng 10/2025.

Sun PhuQuoc Airways đã có đội ngũ nhân sự với đầy đủ kinh nghiệm và các chứng chỉ theo yêu cầu cho các vị trí chủ chốt để đảm bảo hoạt động khai thác tàu bay theo các mảng, đáp ứng quy định.

Trong số các nhân sự chủ chốt của Sun PhuQuoc Airways, Giám đốc điều hành là ông Nguyễn Mạnh Quân với 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Ông Quân từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo của Vietnam Airlines và từng là Tổng giám đốc của Bamboo Airways.

Để đảm bảo có tàu bay khai thác, Công ty đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty FTAI Aviation Ltd về việc cung cấp 3 tàu bay A320/321, với thời hạn giao tàu vào tháng 12/2025 theo hình thức thuê khô (dry lease), thuê ướt (wet lease) hoặc thuê mua tài chính trên cơ sở nguồn vốn điều lệ ban đầu.

Với tiềm lực tài chính của công ty mẹ (Sun Group), Sun PhuQuoc Airways có thể nhận tàu bay sớm hơn kế hoạch để có thêm thời gian chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên, vốn đang nhận được rất nhiều sự chú ý của giới đầu tư hàng không và hành khách.

Những rủi ro bên ngoài

Được định vị là hãng hàng không dịch vụ đầy đủ (Full Service Carrier), kết hợp linh hoạt mô hình bay thuê chuyến (charter), Sun PhuQuoc Airways sẽ tập trung phát triển sản phẩm trên các đường bay trục chính kết nối các trung tâm kinh tế, hành chính của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Sun PhuQuoc Airways sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Vietravel Airlines, do cả hai hãng hàng không đều khai thác cùng một phân khúc, cùng mạng đường bay và hướng tới đối tượng là khách du lịch.

Tuy nhiên, việc Vietravel Airlines tăng cường thêm tàu bay, hay sự xuất hiện của Sun PhuQuoc Airways sẽ chưa mang lại sự thay đổi đáng kể tại thị trường hàng không Việt trong 6 tháng cuối năm 2025.

Cụ thể, nếu nhận thêm 2 tàu bay sở hữu trong tháng 7/2025, Vietravel Airlines cũng chỉ vận hành, khai thác khoảng 5 tàu bay thân hẹp có sức chở tối đa 236 hành khách. Trong khi đó, theo kế hoạch, Sun PhuQuoc Airways sẽ khai thác 3 tàu bay vào thời điểm bắt đầu vận hành (quý IV/2025), số tàu bay sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2026.

Quy mô đội tàu bay khai thác nói trên của Vietravel Airlines và Sun PhuQuoc Airways chỉ tương đương với quy mô đội tàu khai thác hiện nay của Bamboo Airways – đơn vị đứng thứ ba thị trường về quy mô đội tàu.

Ngoài quy mô đội tàu bay nhỏ hơn rất nhiều so với hai đơn vị đang dẫn đầu thị trường là Vietnam Airlines (khai thác 90 tàu bay, trong đó có 31 tàu thân rộng Boeing 787 và Airbus A350) và Vietjet (khai thác 120 tàu bay, trong đó có 7 tàu thân rộng Airbus A330), cả Vietravel Airlines và Sun PhuQuoc Airways được dự báo sẽ gặp khó khăn trong việc sở hữu các “slot” đẹp hoặc tăng slot tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, trong khi đây là yếu tố quan trọng để hút khách.

Theo các chuyên gia, sự tham gia của các hãng hàng không mới sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh trên toàn thị trường, nhưng điều này cũng chỉ có thể diễn ra từ năm 2026, khi các hãng hàng không như Vietnam Airlines và Vietjet dần khắc phục xong vấn đề động cơ tàu bay Airbus A320/A321 và đội tàu bay được bổ sung trở lại.

Cần phải nói thêm rằng, sau giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19, Vietnam Airlines và Vietjet đang có sự bứt phá mạnh mẽ về kết quả sản xuất, kinh doanh.

Trong quý II/2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục duy trì xu thế tích cực, với kết quả vượt kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu chính. Cụ thể, sản lượng hành khách quý II/2025 của Vietnam Airlines ước đạt mức vượt 1,9% so với kế hoạch phân kỳ, số ghế luân chuyển vượt 2,2%, doanh thu vận tải hàng không ước đạt khoảng 22.100 tỷ đồng, vượt 5,9% so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong đà phục hồi của các hãng hàng không Việt Nam vẫn xuất hiện khá nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025.

Theo đó, cuộc xung đột giữa Israel và Iran bùng phát giữa tháng 6/2025 đã ngay lập tức tác động đến giá nhiên liệu bay. Giá dầu Brent tăng từ mức 65-67 USD/thùng, lên hơn 75 USD/thùng; giá nhiên liệu hàng không cũng tăng từ khoảng 78-79 USD/thùng lên hơn 90 USD/thùng.

Song, đến nay, thị trường vẫn đánh giá xung đột chưa ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thực tế từ Iran, nên giá có dấu hiệu chững lại.

Với các hãng bay lớn như Vietnam Airlines hay Vietjet, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% tổng chi phí hoạt động. Ước tính, mỗi 1 USD/thùng tăng thêm có thể khiến chi phí nhiên liệu tăng hơn 20 tỷ đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD có thể ảnh hưởng có lợi đến dòng tiền của các hãng hàng không có các đường bay quốc tế. Tỷ giá cũng sẽ có những biến động không nhỏ, nhất là khi Hoa Kỳ thông báo giữ nguyên thời hạn ngày 9/7 của thuế đối ứng.

“Đây là hai yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, cần được các hãng lưu ý, có giải pháp cụ thể để quản trị hiệu quả”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Hãng hàng không Vietravel Airlines quyết định tăng vốn điều lệ lên 2.600 tỷ đồng
Quyết định chiến lược này của Vietravel Airlines nhằm mục đích tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu mở rộng mạnh mẽ đội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư